Nga chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov khẳng định, Nga sẽ bắt đầu thiết kế kỹ thuật máy bay ném bom chiến lược mới trong năm 2014.


 

Máy bay Tu-160 của Nga sẽ được thay thế bằng máy bay ném bom chiến lược mới.

 

Ông Vasily Kashin - chuyên gia Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ, cho biết, tổ hợp hàng không tầm xa mới đầy hứa hẹn (PAK DA) sẽ thay thế các máy bay Tu-95 MS và Tu-160 ở Nga hiện nay. Chịu trách nhiệm chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới sẽ là Cục Thiết kế Tupolev. Trong năm nay, Cục này sẽ giới thiệu Bộ Quốc phòng kế hoạch chế tạo máy bay ném bom và tính toán chi phí của dự án này.


Theo các phương tiện truyền thông, dự kiến vào năm 2020 Nga sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt loại máy bay này. Tuy nhiên, theo nguồn tin khác, đến năm 2020 dự án này mới chỉ có thể thực hiện chuyến bay đầu tiên. Mặc dù động cơ cho PAK DA đã được sản xuất từ năm 2011, nhưng có thể máy bay mới sẽ sử dụng phiên bản động cơ cải tiến, chẳng hạn như 117C hoặc NC-32. Công việc cũng đang được xúc tiến đối với hệ thống vũ khí. Vũ khí chính của máy bay mới sẽ là tên lửa hành trình X-101 với tầm xa 5.500 km, ngoài ra có thể bổ sung tên lửa tầm ngắn và bom tọa độ.


Tại thời điểm này, theo dự án đã duyệt, máy bay ném bom tương lai sẽ được xây dựng theo sơ đồ “cánh bay” như máy bay ném bom B-2 Spirit của Mỹ. Hiện đây là máy bay ném bom chiến lược cấu hình thấp duy nhất trong giai đoạn sản xuất hàng loạt. Trong giai đoạn những năm 1990, chi phí sản xuất một máy bay ném bom với đầy đủ phụ kiện và phụ tùng thay thế là hơn 900 triệu USD. Tổng chi phí cho việc phát triển và sản xuất máy bay lên tới khoảng 45 tỷ USD.


Có khả năng máy bay ném bom của Nga cũng sẽ có tốc độ tối đa gần bằng tốc độ âm thanh như B-2 của Mỹ. Thế mạnh cơ bản sẽ là khả năng bay tầm xa và tránh rađa. Về mặt này, nó khác với các dự án máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc, mà xét theo các bức ảnh của mô hình, sẽ là máy bay siêu âm. Đồng thời, các nhà phân tích nói rằng chi phí tài chính của dự án Trung Quốc sẽ rất lớn, đặc biệt là so với Mỹ và Nga, do Trung Quốc không hề có bất kỳ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực này. Trên thực tế, nếu Trung Quốc muốn đưa chương trình đến giai đoạn sản xuất hàng loạt, họ sẽ phải tiêu tốn nhiều tiền hơn cả hai chương trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, hoặc toàn bộ chương trình vũ trụ có người lái.


Trong khi đó, dự án máy bay của Nga không bắt đầu từ số không. Trong những năm 70 và 80 thế kỷ trước, Cục thiết kế Tupolev đã triển khai dự án máy bay Tu-202 trên nguyên tắc “cánh bay”. Phạm vi của máy bay ném bom cần đạt yêu cầu 16.000 km và bán kính hoạt động trong phiên bản máy bay ném bom với 6 tên lửa hành trình là 5.500 km. Trong thập kỷ 80, Nga đã thực hiện một loạt nghiên cứu bố trí khí động học có sử dụng mô hình máy bay. Kế hoạch chế tạo máy bay ném bom chiến lược mới luôn liên quan đến những rủi ro kỹ thuật rất lớn. Tuy nhiên, thành công trong việc tạo ra PAK DA có thể cung cấp cho nước Nga các hệ thống tấn công toàn cầu hiệu quả, có khả năng đánh trúng mục tiêu gần như bất cứ nơi nào trên thế giới sau một vài giờ nhận lệnh mà không cần đặt căn cứ ở nước ngoài.

 

TTK

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN