“Nàng tiên” trên miền đất cổ Na Hang

                                                                                                                    Đất và người Nà Hang


"Ai lên Tuyên Quang ngược vòng cung Lô Gâm tới Na Hang quê em... phượng hoàng đã về đây, em mong anh về đây anh ơi... thương anh như chín mươi chín ngọn núi, nhớ anh như núi Pác Tạ anh ơi", giai điệu bài hát “Tâm tình cô gái Nà Hang” của nhạc sĩ Lê Việt Hòa như vấn vương, như mời gọi du khách đến với miền “đất cổ”, đến với “Nàng tiên xanh” giữa đại ngàn trong mùa xuân này.

*Miền “đất cổ”

Cái tên Na Hang bắt nguồn từ hai chữ Nà Hang, theo tiếng đồng bào dân tộc Tày có nghĩa là ruộng cuối. Trước đây từ thành phố Tuyên Quang đến Na Hang chỉ duy nhất một con đường độc đạo dài hơn 100km nhưng phải đi mất vài ngày. Hiện nay, đường lên Na Hang được nâng cấp mở rộng nên từ thành phố Tuyên Quang lên Na Hang rút ngắn chỉ còn khoảng hơn 2 tiếng nếu đi xe khách. 


Hiện trên vùng đất Na Hang có nhiều hang động là nơi cư trú của nhiều thế hệ cư dân tiền sử như: hang Ngườm Hầu, thuộc địa phận thôn Nà Lộc, xã Thanh Tương; hang Phia Muồn, thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú; hang Phia Vài… 


Đến hang Ngườm Hầu, xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang), du khách sẽ được khám phá nơi ở của người cổ Ngườm Hầu. Dấu tích của người tiền sử được tìm thấy ở hầu khắp diện tích hang, với 2 lớp văn hóa phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách. Theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trình Năng Chung, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam), hang Ngườm Hầu là một di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân tiền sử. Lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa hậu kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 đến 4.200 năm. Lớp cư trú muộn thuộc thời kỳ kim khí, niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 - 3.500 năm. 


Rời hang Ngườm Hầu theo đường bộ, du khách đến với hang Phia Muồn thuộc thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú. Xung quanh cửa hang được bao phủ bởi màu xanh trù phú của núi rừng xanh thẳm với nhiều tầng bao phủ dầy đặc. Dòng suối nhỏ nằm ở cửa hang là nơi sinh tồn của nhiều loài thủy sinh, là nguồn cung cấp nước và môi trường sinh sống chủ yếu cho cư dân tiền sử khu vực này. Hang Phia Muồn được phát hiện có 12 bộ di cốt, 2 di tích bếp lửa, 2,45 kg xương răng động vật, 712 công cụ lao động đồ đá, cùng nhiều con ốc núi, ốc suối… Đáng chú ý, nơi đây có 1 vỏ ốc biển Cyprea arabica trong lớp văn hóa 4. Đây là bằng chứng thuyết phục chứng minh giai đoạn này đã có sự giao lưu trao đổi giữa cư dân Phia Muồn với cư dân miền biển… 



* "Nàng tiên xanh" giữa đại ngàn 

                                                                                                  Tiềm năng du lịch Nà Hang

Không chỉ tự hào là miền “đất cổ”, Na Hang còn được ví như "Nàng tiên xanh" giữa đại ngàn. Kể từ khi được tích nước, hồ thuỷ điện Tuyên Quang trở thành một vùng non nước hữu tình rộng hơn 8.000 ha mặt nước, với 99 ngọn núi hùng vĩ được ví là như "Hạ Long cạn giữa đại ngàn". Đặc biệt đáng chú ý, 10 di tích tại khu vực hồ thuỷ điện Tuyên Quang gồm: Hang Phia Vài, động Song Long, thác Nặm Me (xã Khuôn Hà, huyện Na Hang); hang Phia Muồn (xã Sơn Phú, huyện Na Hang); đền Pác Tạ (thị trấn Nà Hang); chùa Phúc Lâm, Xưởng Quân khí H52, thắng cảnh Thượng Lâm (xã Thượng Lâm, huyện Na Hang); cơ quan ấn loát đặc biệt Trung ương, địa điểm sản xuất diêm tiêu (xã Năng Khả, huyện Na Hang) đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp Quốc gia.

Không những vậy, đến Na Hang mùa xuân này, du khách còn được thăm chợ vùng cao Thượng Lâm - chợ họp vào thứ 5 và chủ nhật hàng tuần. Ở đây du khách có thể vừa thưởng thức chén rượu ngô Na Hang nổi tiếng nấu bằng men lá, vừa nghe những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về miền đất nhiều huyền thoại này. Đó là các sự tích như hoa Phạc Phiền, chuyện đèo Nàng, sự tích 99 ngọn núi… Trên thượng nguồn sông Gâm, sông Năng, nếu muốn du khách sẽ được thưởng thức món cá lăng, cá chiên, với hương vị đặc trưng của núi rừng. Cuối bữa ăn, khách còn được nhâm nhi chén trà Shan tuyết nóng hổi với vị ngọt đậm đà - một đặc sản của vùng núi cao Na Hang.

Ông Phạm Ninh Thái - Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết: Nhằm phát huy tiềm năng du lịch của Khu du lịch sinh thái Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã ký hợp đồng với Viện Quy hoạch Miền Tây (Trung Quốc) lập bản đồ quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Na Hang. Phạm vi quy hoạch rộng 15.000 ha, trong đó diện tích lòng hồ là 8.000 ha. Bao gồm các phân khu chức năng như: Khu đón khách du lịch tại thị trấn; khu lâm viên Phiêng Bung; khu lâm thuỷ Cọc Vài; khu thể thao, khu ngắm cảnh trên nước; khu thuỷ trại Đà Vị và các điểm khu làng du lịch văn hóa. Các hệ thống sân golf, hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, đường cáp treo, trường đua ngựa, khu vui chơi giải trí …

Ngoài ra, qua tìm hiểu được biết, trong những năm qua, để giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện thoát nghèo bền vững, huyện Na Hang còn thực hiện rất thành công các dự án, mô hình như “vay bò trả bê”, “trồng rừng bằng chè Shan tuyết’, “nuôi cá eo ngách trên vùng lòng hồ thủy điện”… Na Hang đang vươn mình đẩy lùi nghèo nàn, lạc hậu để đến năm 2020 được công nhận là thị xã./.


Vũ Quang Đán

 

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN