Tuy nhiên, hiện nay, sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc của học sinh ở các nhà trường. Với thói quen “ăn xổi”, “chộp giật” những tri thức trên mạng khi cần có thể gõ vào trang tìm kiếm để lấy về nên nhiều học sinh thờ ơ, thậm chí lười đọc sách, lười tìm kiếm những cuốn sách hay, mới, bổ ích cho môn học và thực tiễn đời sống. Việc đến thư viện, miệt mài đọc sách, ghi chép lại những tri thức quan trọng dần trở nên xa lạ đối với một bộ phận học sinh. Sự lệ thuộc vào tri thức trên mạng kèm theo những hệ lụy như tri thức không chính xác, tản mạn, không hệ thống, không rõ nguồn trích dẫn khiến việc tư duy và phương pháp học của học sinh trở nên thiếu khoa học và sự sáng tạo. Trong khi đó, nguồn sách của thư viện ở nhiều nhà trường rất dồi dào thì lại không được khai thác triệt để. Học sinh chưa thấy được điều thú vị, cái hay của việc cầm trên tay cuốn sách mới và bổ ích.
Việc học tập, tìm hiểu tri thức bộ môn và cuộc sống qua kênh sách bằng hình thức đọc tuy là phương pháp truyền thống nhưng không hề cũ đối với người học. Các nhà trường cần có những phương pháp tổ chức để khơi dậy văn hóa đọc trong học sinh.
Thứ nhất, các nhà trường cần tuyên truyền để mỗi học sinh nhận thức được vai trò của sách đối với học tập và cuộc sống, giúp các em hiểu rằng sách là nguồn tài nguyên vô cùng quí giá, một cuốn sách tốt giống như một người bạn hiền… Đồng thời, tuyên truyền để giúp học sinh hiểu được vai trò của thư viện nhà trường nói riêng và thư viện nói chung để hướng các em sau giờ học đến thư viện, tìm đọc những cuốn sách hay và bổ ích.
Thứ hai, cần thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách đối với học sinh toàn trường. Hoạt động này nên lồng ghép vào giờ chào cờ hàng tuần, mỗi tuần nên giới thiệu kĩ lưỡng một đến hai cuốn sách mới hay một ấn phẩm mới xuất bản liên quan đến tri thức học đường và cuộc sống.
Thứ ba, các thầy cô giáo và cán bộ thư viện các nhà trường cần hướng dẫn học sinh cách đọc sách sao cho khoa học và hiệu quả. Đồng thời, giáo viên bộ môn sau mỗi bài học cần giới thiệu cho học sinh những tài liệu cần đọc hiện có trên thư viện, những tài liệu bổ trợ, nâng cao mà các em cần đọc. Giúp học sinh nhận thức được khi đứng trước một cuốn sách hay cần phải đọc như thế nào cho hiệu quả, cách sắp xếp sách khoa học sau khi đọc, cách tóm tắt nội dung cuốn sách và ghi lại những tri thức cần thiết trong sách.
Thư tư, trong mỗi năm học, các nhà trường nên tổ chức ngày hội đọc sách để vừa tuyên truyền, giao lưu vừa giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với những phương pháp đọc sách hiệu quả, những cuốn sách hay. Tại ngày hội này, nên tổ chức vừa giới thiệu sách, vừa tổ chức thi thuyết trình sách…