Ban soạn thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đang tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật này để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2013. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Vũ Ngọc Anh, để tăng cường hoạt động phòng, chống buôn lậu (PCBL), vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, Luật Hải quan sửa đổi lần này bổ sung một số quy định liên quan tới thẩm quyền lực lượng kiểm soát của hải quan.
Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Tổng cục trưởng TCHQ Vũ Ngọc Anh, TCHQ đã có buổi họp bàn với các bộ, ngành để tiếp thu và giải trình những vấn đề trong Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) và đã được các thành viên Chính phủ cho ý kiến. Trong đó, có ba nội dung quan trọng được đề cập tới là: Địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm của cơ quan hải quan trong PCBL, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức, bộ máy hải quan.
Được biết, Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) đã nhận được 24 ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ về Hoạt động hợp tác quốc tế về Hải quan; địa bàn hoạt động Hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi cư dân biên giới; quy định về miễn khai, miễn kiểm tra hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan đối với ngoại tệ, tiền Việt Nam, vàng, kim khí quý, đá quý của người xuất cảnh, nhập cảnh… Đặc biệt, một số nội dung được Ban soạn thảo tiếp thu và chỉnh lý như: Góp ý của Bộ Công an về địa bàn hoạt động hải quan và thẩm quyền của cơ quan Hải quan, công chức Hải quan trong việc xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…
Đề cập tới việc “quyền truy đuổi liên tục” trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy định tại Điều 92 được đề cập tới trong Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), đại diện TCHQ cho rằng: Luật Hải quan năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) chưa quy định cơ quan Hải quan thực hiện việc truy đuổi, bắt giữ hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới từ trong địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn nên khi đối tượng chạy ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan phải phối hợp với cơ quan chức năng. Có nhiều trường hợp do sự việc diễn biến nhanh chóng, lực lượng hải quan không kịp tổ chức phối hợp nên mất cơ hội bắt giữ và xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Vì vậy, để tăng cường hoạt động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan Hải quan, Điều 92 Dự thảo Luật Hải quan sửa đổi này đã bổ sung quy định thẩm quyền của lực lượng kiểm soát hải quan được thực hiện việc truy đuổi liên tục, không bị giới hạn trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu của hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Đồng thời, tại Điều 93 Dự thảo Luật quy định rõ các biện pháp nghiệp vụ cụ thể, thẩm quyền của cơ quan Hải quan trong việc áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Theo một số thành viên Chính phủ, việc bổ sung một số quy định trên là cần thiết vì trong thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc phối hợp giữa các cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đôi lúc chưa kịp thời, chưa mang lại hiệu quả mong muốn. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải đang di chuyển ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan, có dấu hiệu của hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan Hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời, thông báo cho cơ quan chức năng trên địa bàn biết để phối hợp thực hiện.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (TCHQ) Vũ Ngọc Anh, việc sửa Luật Hải quan nhằm tạo hành lang pháp lý để hiện đại hóa hoạt động hải quan, là cơ sở quan trọng cho việc áp dụng rộng rãi, phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế. Việc này cũng xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan hướng tới hoạt động hải quan công khai, minh bạch, hiệu quả, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật khác có liên quan mới được ban hành.
PV