Nâng cao chất lượng giáo dục từ mọi khâu

LTS: Sau loạt bài về “Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT” đăng trên báo Tin Tức thời gian qua, nhiều chuyên gia, bạn đọc đã có những ý kiến đóng góp, làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Báo Tin Tức tiếp tục cập nhật ý kiến xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD &ĐT TP.HCM:Tập trung đổi mới toàn diện


Việc đổi mới giáo dục phải được thực hiện đồng bộ, từ đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đổi mới công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của các đơn vị; đổi mới công tác giảng dạy và học tập; đổi mới phương thức ra đề, kiểm tra, đánh giá giáo viên lẫn học sinh…

Giáo viên hướng dẫn học sinh lớp 12 thực hành môn Vật lí. Ảnh:Quý Trung - TTXVN

 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, chúng ta phải quan tâm phát triển nhanh, nhưng đảm bảo bền vững, ở tất cả các cấp học, sớm khắc phục những hạn chế yếu kém và bất cập. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở vật chất mạng lưới trường lớp. Chúng ta có thể đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp ở các bậc học, như thế vừa phát huy được sức dân, để người dân được góp phần trang bị cho con em mình; vừa nâng cấp được hệ thống giáo dục.


Bên cạnh đó, cần đề cao đạo đức và trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo thế hệ trẻ; tập trung đổi mới toàn diện nội dung và phương thức giáo dục. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập hiện nay rất cần phải tăng cuờng liên kết quốc tế, trao đổi và học tập kinh nghiệm để nâng cao hệ thống giáo dục và đào tạo.


PGS - TS KH Bùi Mạnh Nhị, truờng ĐH Sư Phạm TP.HCM: Cần xây dựng tốt chương trình đào tạo


Để nâng cao chất lượng giáo dục, chúng ta cần xây dựng tốt chương trình, nội dung đào tạo. Chương trình đào tạo phải hướng đến kỹ năng cần thiết, trước mắt và lâu dài cho sinh viên. Đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy, thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh các yếu tố từ trường đến các cấp khoa, bộ môn, giúp sinh viên trong quá trình học tại trường vừa được đào tạo những kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết và trình độ chuyên môn, đáp ứng việc tuyển dụng tại các đơn vị sau khi ra trường.

 

Độc giả Lê Văn Đồng (DHAcompany67@...):Chú trọng phát triển dạy nghề


Có một nghịch lý ở nước ta hiện nay là đất nước đang thiếu trầm trọng công nhân có tay nghề cao về mọi lĩnh vực, nhưng lại thừa không ít cử nhân, kỹ sư chuyên môn. Điều này thể hiện rõ ràng trong thực tế, khi những công nhân trực tiếp làm việc tại các Khu CN chủ yếu chỉ tốt nghiệp cấp 3, được đào tạo hết sức sơ sài, ai làm ở bộ phận nào chỉ biết bộ phận đó, không có kỹ năng và kiến thức tổng hợp… Hoặc rất nhiều ngành nghề hiện nay đang thiếu thợ giỏi, tay nghề cao. Trong khi đó, nhà nhà, người người đổ xô đi học đại học và không phải ai ra trường cũng có thể làm được việc hoặc kiếm được việc làm đúng chuyên ngành. Thực tế đã có những câu chuyện đắng lòng khi sinh viên ra trường thì đi làm osin, hay về quê mở trang trại…Vì vậy, điều cần thiết là chúng ta cần xem xét lại, chú trọng việc phát triển các trường dạy nghề và định hướng cho học sinh, giúp các em định hướng được cho tương lai của mình ngay từ khi học phổ thông.

 

Nguyễn Phong (Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội):Tuyển đủ thí sinh cho mỗi ngành nghề


Tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến ngành giáo dục của chúng ta. Một cậu sinh viên học tại một trường đại học tại Hà Nội (tôi xin được giấu tên), chuyên ngành kỹ sư đầu máy. Khi ra trường, không xin được việc đúng chuyên ngành tại Hà Nội hay địa phương cậu quyết định “giấu” bằng đại học để xin làm công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, bởi khi đó các công ty này không có nhu cầu tuyển kỹ sư mà chỉ cần tuyển công nhân và yêu cầu bằng cấp 3. Cậu nộp hồ sơ và chấp nhận làm công nhân bình thường, bỏ đi tấm bằng đại học trong vòng vài năm và đợi có đợt tuyển kỹ sư mới có cơ hội làm việc đúng chuyên ngành của mình.


Đó chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện về sinh viên ra trường không kiếm được việc hiện nay. Vì sao lại xảy ra tình trạng này? Đây cũng là điều mà các nhà làm giáo dục cần xem xét lại. Đó là vấn đề về đào tạo, nghiên cứu thực tế xã hội. Chúng ta không thể đào tạo ồ ạt, mà cần đào tạo có chỉ tiêu và chọn lọc. Để những sinh viên ra trường thật sự là những kỹ sư, bác sĩ... những người có năng lực và có cơ hội được thể hiện năng lực của mình qua công việc thực tế.


Đan Phương - Thu Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN