Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ mới, UBND tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng chỉ đạo triển khai công tác này đến cơ sở. Tính đến cuối năm 2019, tỉnh có gần 32.000 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó trên 5.000 người là dân tộc thiểu số.
Để lực lượng này phát huy tích cực vai trò, nhiệm vụ của mình, Gia Lai đã có chính sách đặc thù khi ban hành Chỉ thị về việc cơ cấu cán bộ, công chức người dân tộc Bahnar, Jrai trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. Theo đó, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh phải bố trí ít nhất 10%, các huyện bố trí ít nhất 15% cán bộ người dân tộc thiểu số so với tổng biên chế được giao.
Hằng năm, khi thực hiện tuyển dụng công chức viên chức, UBND tỉnh Gia Lai đã có những chính sách ưu tiên cho người dân tộc thiểu số nên nhiều năm qua, số lượng cán bộ công chức viên chức là người dân tộc thiểu số tăng cao.
Từ năm 2016, theo quy định, khi thi tuyển công chức sẽ cộng 20 điểm vào tổng điểm thi cho thí sinh người dân tộc thiểu số; nếu 2 người có số điểm như nhau, sẽ ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong tuyển dụng giáo viên, áp dụng ưu tiên thi trước đối với sinh viên cử tuyển, tuyển trước người dân tộc thiểu số để đáp ứng 20% chỉ tiêu của đơn vị. Năm 2018, Gia Lai có 9/86 biên chế công chức trúng tuyển là người dân tộc thiểu số, 109/781 viên chức giáo viên trúng tuyển là người dân tộc thiểu số.
Công tác nâng cao năng lực cán bộ, được tỉnh đặc biệt quan tâm ngay từ tuyến cơ sở, điển hình như tại huyện Ia Pa, nơi có gần 73% dân số là người dân tộc thiểu số. Số lượng cán bộ công chức viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm trên 45% chỉ tiêu biên chế, cơ bản đáp ứng tốt về năng lực, tiêu chuẩn trình độ.
Trong đó, xã Ia Tul là một trong những địa phương đầu tư, chú trọng công tác của bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ người dân tộc thiểu với 33 cán bộ, 11 công chức xã. Hơn 50% số lượng đội ngũ cán bộ này có trình độ thạc sỹ, đại học, cao đẳng, trung cấp.
Anh Rah Lan Lal, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul, huyện Ia Pa là người dân tộc Jrai, có thời gian 10 năm công tác tại địa phương. Ngoài làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, anh Lal thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, tuyên truyền, vận động đồng bào tuân thủ quy định của pháp luật, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Cán bộ xã Ia Tul đã kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân, giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên toàn xã. Đến cuối năm 2018, toàn xã có 86 hộ nghèo, chiếm 12,5%; đến cuối năm 2019, chỉ còn 37 hộ nghèo, chiếm hơn 5%.
Ông Kpa Wơh, 70 tuổi, ở làng Bong Biah A, xã Ia Tul, cho biết trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo vì không biết canh tác, làm ăn. Từ khi có anh Lal - Phó Bí thư xã Ia Tul đến nhà hướng dẫn trồng rau, trồng sắn, nuôi bò nên cuộc sống gia đình ông đã bớt khó khăn. Mấy năm gần đây đã thoát được hộ nghèo, gia đình ông còn có thêm 4 con bò sinh sản.
Theo anh Rah Lan Lal - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Tul, xã phấn đấu đến hết năm 2020 có 100% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, 100% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
Qua các cơ chế ưu tiên, tỉnh Gia Lai đã tạo động lực khuyến khích người có trình độ, năng lực phấn đấu, góp phần đổi mới công tác cán bộ và nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Năm 2019, trong tổng số gần 32.000 cán bộ công chức, viên chức toàn tỉnh, trên 5.500 người dân tộc thiểu số có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, chiếm gần 6%, chủ yếu tập trung ở các tuyến cơ sở.
Ông Huỳnh Văn Tâm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai cho biết: Sở đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định đối với các đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn vùng dân tộc về việc tuyển dụng, tiếp nhận học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường đào tạo, dạy nghề để tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Đồng thời, Sở kiến nghị cấp trên ra cơ chế quy định cụ thể tỷ lệ biên chế để tuyển dụng người dân tộc Bahnar, Jrai theo tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, huyện để các địa phương có cơ sở tuyển dụng.
Ngoài ra, Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh cần có chính sách về tuyển dụng dành riêng cho cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn.