Trường Mầm non 19/5 luôn đặc biệt quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Hiệu trưởng Trường Mầm non 19/5 Loan Thị Thao cho biết: Nhà trường hiện có 13 lớp với trên 580 trẻ. Thời gian ở trường, các cháu được bố trí ăn 2 bữa chính kết hợp uống sữa và bổ sung hoa quả. Nhà trường tính khẩu phần ăn cho trẻ bằng phần mềm dinh dưỡng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo thực đơn phong phú, không lặp lại trong tuần.
Bà Loan Thị Thao cho biết thêm: Nhà trường công khai mọi khoản chi tiêu, đóng góp, khẩu phần ăn, thực đơn hằng ngày của bé để phụ huynh theo dõi. Quá trình chế biến và bảo quản thực phẩm phải đúng tiêu chuẩn, đồng thời giao trách nhiệm đảm bảo các bé ăn ngon, ăn đầy đủ cho cô giáo phụ trách lớp.
Hiện nay, nhiều dịch bệnh nguy hiểm, đe dọa sức khỏe của trẻ nhỏ như: Sởi, chân tay miệng, đau mắt đỏ, quai bị…Vì vậy, nhà trường chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác vệ sinh cho trẻ, đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học, theo dõi sức khỏe các cháu, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe các em.
Hòa Cư là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Cao Lộc. Những năm qua, Trường Mầm non Hòa Cư gồm 1 điểm trung tâm, 2 điểm lẻ là Co Cam và Kéo Cặp luôn được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, đặc biệt chú trọng chất lượng bữa ăn bán trú nhằm góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Cư Hoàng Thị Tới cho biết: Hầu hết phụ huynh của 170 học sinh theo học trong trường là người Tày và Nùng, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, 100% phụ huynh đồng ý cho trẻ ăn bán trú tại trường, thực hiện mức đóng tự nguyện 15.000 đồng/ngày. Các bữa ăn luôn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm (chất đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng) với tỷ lệ cân đối và hợp lý. Các món ăn được thay đổi thường xuyên theo ngày, theo mùa... Nhà trường tăng cường rau, củ, quả trong bữa ăn để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Không chỉ vậy, với mức hỗ trợ 30% từ các chương trình “sữa học đường”, nhà trường đảm bảo các em được uống 1 cốc sữa vào mỗi buổi sáng.
Bà Vi Thị Giao, Trưởng phòng Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quán triệt các trường mầm non trên địa bàn thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn dinh dưỡng cho trẻ theo quy định, không sử dụng phần mềm xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ mà chưa được thẩm định. Bên cạnh đó, các trường thực hiện kiểm tra sức khỏe, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ; thực hiện tốt công tác giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ mầm non, triển khai hiệu quả chương trình sữa học đường; chú trọng hình thành nền nếp, thói quen tốt, hành vi văn minh có lợi cho sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số...
Thời gian qua, chất lượng bữa ăn của trẻ ở 231 trường mầm non trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nâng lên. Nhiều năm học liền tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh; tỷ lệ trẻ được khám, theo dõi sức khỏe theo quy định luôn duy trì ở mức 100%… Hằng năm, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cuối năm học đều giảm so với đầu năm học. Năm học 2017 – 2018, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ mẫu giáo là 2,7%, giảm 0,2% so với năm học 2016 - 2017; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ mẫu giáo là 3,1%, giảm 0,6% so với năm học trước.