Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành cho biết, qua thanh tra cho thấy, rất nhiều thủ đoạn đưa chất cấm vào chăn nuôi như trộn sẵn trong thức ăn, bán kèm theo thức ăn, thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng chất cấm…
Lấy mẫu nước tiểu lợn để xét nghiệm chất cấm trước khi xuất chuồng. Ảnh: TTXVN |
Thanh tra Bộ đã tìm trọng điểm để thanh tra nhưng đây là trận đấu rất cam go. Qua kiểm tra tại các lò mổ phát hiện thấy, tỷ lệ tồn dư chất cấm có trường hợp vượt 431 lần, tức là vừa cho gia súc ăn chất cấm đã đưa ngay vào giết mổ.
Không chỉ có Vàng-O, Bộ đã kịp thời đưa ra danh sách các loại phẩm màu chỉ được phép sử dụng trong công nghiệp, không được sử dụng trong chăn nuôi, thực phẩm. Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng thừa nhận, sự vào cuộc trong công tác thanh tra vẫn còn chậm, vẫn có vụ việc không xử lý dứt điểm.
Năm 2015, Thanh tra Bộ đã tăng 71% các đoàn thanh tra so với kế hoạch. Các đoàn thanh tra tập trung vào việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm dịch động vật, thực vật; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; hoạt động chứng nhận, thử nghiệm, công bố chất lượng phân bón.
Bởi vậy, năm 2015, Thanh tra Bộ đã kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi 11,5 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2014. Đặc biệt, qua quá trình thanh tra đã có 3 viên chức bị “buộc thôi việc” do có sai phạm về chuyên môn, nghiệp vụ trong chứng nhận hợp quy phân bón.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ, năm 2016, công tác thanh tra chuyên ngành sẽ tập trung vào lĩnh vực, hoạt động mà thanh tra chuyên ngành của các tổng cục, cục triển khai không hiệu quả; tập trung kiểm tra chất cấm trong thủy sản, kháng sinh cấm, chất cải tạo môi trường cấm để nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng, thanh tra theo kế hoạch nên thanh tra toàn diện nhằm phát hiện những vấn đề về cơ chế chính sách, đánh giá thực tiễn và đề ra cơ chế chính sách. Nên dành 40% nguồn lực và gắn với giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo cho thanh tra đột xuất.