Mỹ từng đề nghị Nhật giúp nghe lén Trung Quốc?

Trong bối cảnh chương trình nghe lén của Mỹ đang gặp phải sự phản đối từ nhiều nước trên thế giới, ngày 28/10, tờ “Đại Công báo” (Hong Kong - Trung Quốc) tổng hợp tin tức của hãng thông tấn Kyodo (Nhật Bản) và nhật báo “Người Bảo vệ” (Anh) cho biết vào khoảng năm 2011, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) cũng từng đề nghị chính phủ Nhật Bản giúp nghe lén các thông tin cá nhân như email (thư điện tử), điện thoại… của Trung Quốc thông qua đường truyền cáp quang đi qua nước này. Tuy nhiên, Nhật Bản đã lấy lý do hạn chế về mặt pháp luật cũng như thiếu nhân viên tình báo để từ chối đề nghị này của Mỹ.

Trụ sở của NSA tại Fort Meade, bang Maryland, Mỹ.


Theo nguồn tin trên, Mỹ cho rằng Nhật Bản nằm ở một trong những vị trí “trọng yếu” của mạng lưới cáp quang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là điểm kết nối giữa các khu vực. Hơn nữa, các tuyến cáp quang quốc tế của Trung Quốc cũng đi qua lãnh thổ Nhật Bản. Do đó, NSA đề nghị Nhật Bản lắp đặt các trang thiết bị nghe trộm trên tuyến cáp quang đi qua nước này (vốn kết nối khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc), từ đó thu thập các thông tin cá nhân bao gồm các dữ liệu từ những tìm kiếm trên Internet cũng như nhật ký điện thoại.


Sở dĩ, NSA chọn cáp quang là đối tượng nghe lén quan trọng vì cáp quang có thể truyền một số lượng dữ liệu lớn với tốc độ nhanh và lộ trình dài. Nguồn tin trên cho biết Mỹ tìm kiếm sự giúp đỡ của Nhật Bản với hy vọng bắt chước mô hình hợp tác tình báo giữa Mỹ và Anh - một đồng minh của Mỹ ở châu Âu. Nhật báo “Người Bảo vệ ” trước đây đã công bố những thông tin được tiết lộ bởi Edward Snowden - cựu nhà thầu NSA - về dự án nghe lén “PRISM” của Mỹ. Theo đó, Cơ quan Thông tin và Truyền thông (GCHQ) của chính phủ Anh đã bí mật giám sát cáp quang truyền phát điện thoại quốc tế và tín hiệu Internet, và tiếp cận được một lượng lớn thông tin cá nhân (những thông tin này được lưu giữ nhiều nhất đến 30 ngày), sau đó cùng chia sẻ lượng thông tin khổng lồ này với NSA.


Cũng theo nhật báo “Người Bảo vệ”, từ năm 2011, NSA bắt đầu tiếp nhận những tin tức tình báo mà GCHQ nghe lén được từ hệ thống cáp quang xuyên Đại Tây Dương. Đây cũng là thời điểm NSA đề nghị Nhật Bản giúp nghe lén thông tin. Trong khi đó, tờ “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng” (Hong Kong) đưa tin những thông tin do Snowden công bố cho thấy kế hoạch giám sát của NSA còn xâm nhập vào một số công ty viễn thông lớn của Trung Quốc Đại lục để thu thập dữ liệu tin nhắn, đồng thời tiếp tục tấn công vào đầu mối mạng của trường Đại học Thanh Hoa - một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Đại học Trung Văn (Hong Kong) cũng là một trong những mục tiêu giám sát của NSA. Năm 1995, Đại học Trung Văn thành lập Trung tâm trao đổi Internet Hong Kong (HKIX), và từ đó đến nay, đây vẫn là đầu mối mạng trọng yếu của khu vực. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mạng lớn đều phải thông qua HKIX để thu phát tin. Đáng lưu ý, NSA còn lén xâm nhập hệ thống máy tính của Công ty Pacnet - công ty kinh doanh mạng cáp quang, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông độc lập hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương - có trụ sở đặt tại Hong Kong.


Trong khi đó, hãng Kyodo lại không cho biết thời gian cụ thể phía Mỹ đưa ra đề nghị với Nhật Bản. Nhiều nhà phân tích chính trị nổi tiếng Nhật Bản cho rằng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe - nhân vật thuộc Đảng Dân chủ Tự do - lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Nhật Bản luôn tìm cách củng cố liên minh Nhật-Mỹ, bao gồm việc thúc đẩy hợp tác tình báo giữa hai nước.


Đức Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN