Mỹ lên án Pakistan treo thưởng cho 'đầu' đạo diễn phim xúc phạm đạo Hồi

Ngày 23/9, Mỹ đã lên án một Bộ trưởng Pakistan (Pakixtan) treo giải 100.000 USD cho ai giết được đạo diễn bộ phim "Phiên tòa xét xử Mohammed" có nội dung xúc phạm đấng Tiên tri Mohammed của đạo Hồi, làm bùng phát làn sóng chống Mỹ trên khắp thế giới.

Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Steven bị thiệt mạng hôm 11/9.  Ảnh: Internet.

Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Ghulam Ahmed Bilour đã thông báo treo giải thưởng trên, đồng thời kêu gọi các thành viên của tàn quân Taliban và của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda tham gia hoạt động truy sát đạo diễn phim.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ hành động của ông Bilua "mang tính kích động, và không phù hợp". Theo quan chức trên, cả Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đều cho rằng nội dung bộ phim nói trên "mang tính công kích, đáng hổ thẹn và đáng lên án".

Tuy nhiên, "đây không thể là lý do để tiến hành bạo lực". Quan chức trên cũng kêu gọi các lãnh đạo có trách nhiệm cùng lên tiếng phản đối bạo lực.

Trong một phản ứng cùng ngày, Chính phủ Pakistan cho biết không liên quan đến các tuyên bố của Bộ trưởng Bilua. Người phát ngôn của Thủ tướng Raja Pervez Ashraf khẳng định: "Đây không phải là chính sách của chính phủ".

Những ngày vừa qua, làn sóng biểu tình chống Mỹ chưa có dấu hiệu lắng dịu. Tại Pakistan, các cuộc tụ tập mới vẫn diễn ra khắp cả nước với sự tham gia rầm rộ của hơn 45.000 người hôm 21/9, gây đụng độ với cảnh sát, làm 21 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.

Trong ngày 23/9, các cuộc biểu tình mới đã bùng phát tại Hong Kong (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Arập Xêút, Iran và Băngla Đét. Khoảng 3.000 người biểu tình tại Hong Kong đã đụng đổ với cảnh sát khi họ cố gửi một bức thư cho Lãnh sự quán Mỹ tại đây.

Trong khi đó, khoảng 500 người biểu tình tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã tụ tập ở quảng trường Taksim, đốt cờ Mỹ và cờ Israel. Cảnh sát Hy Lạp đã phải bắn hơi cay vào đoàn biểu tình gần 1.000 người tại trung tâm thủ đô Aten sau khi một số người cố phá vỡ hàng rào bảo vệ Đại sứ quán Mỹ.

Tại Arập Xêút, hàng trăm người biểu tình tại một ngôi làng của người Shiite thuộc tỉnh miền đông của nước này để lên án bộ phim, thách thức lệnh cấm biểu tình của chính phủ.

Còn tại Iran, khoảng 400 người đã tụ tập trước cửa Đại sứ quán Pháp ở Tehran đã đụng độ với cảnh sát. Tại Băngla Đét, các đảng đối lập đã ủng hộ một cuộc đình công trên cả nước, hầu hết các trường học, cửa hiệu và văn phòng đã đóng cửa.

Kể từ ngày đoạn băng giới thiệu bộ phim nói trên được phát tán trên mạng, hôm 11/9, đã gây ra làn sóng biểu tình phản đối Mỹ trên thế giới, làm hơn 50 người thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Steven.

Đạo diễn phim Nacula Nakoula Basseley Nakoula, còn có tên là Sam Bacile, 55 tuổi, là một người Cơ đốc giáo Ai Cập di cư sang Mỹ, hiện đang sống tại Los Angeles và đến nay chưa có phát biểu gì về những hệ quả do bộ phim gây ra.



TTXVN/ Tin Tức




Chính phủ Pakixtan phản đối bộ trưởng muốn lấy đầu đạo diễn phim chống đạo Hồi
Chính phủ Pakixtan phản đối bộ trưởng muốn lấy đầu đạo diễn phim chống đạo Hồi

Ngày 23/9, chính phủ Pakixtan đã lên tiếng phản đối việc Bộ trưởng Đường sắt nước này, ông Ghulam Ahmed Bilour ngày 22/9 tuyên bố sẽ thưởng 100.000 USD cho ai lấy được đầu của đạo diễn bộ phim phỉ báng đạo Hồi đang gây ra làn sóng bạo lực và biểu tình phản đối Mỹ trên khắp thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN