Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 6/5 thông báo tại Hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Washington tuần tới, Mỹ sẽ đề xuất nguyên thủ các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung.Tên lửa đánh chặn, một phần của Hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất liền GMD được phóng đi từ căn cứ không quân Vandenberg ở bang California, Mỹ. AFP-TTXVN |
Đây được coi là một bước đi nhằm trấn an các đồng minh vùng Vịnh trước khả năng đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết trong hai ngày 13-14/5 tới, Tổng thống Obama sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-GCC (gồm các nhà lãnh đạo Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất-UAE).
Phát biểu với báo giới cùng ngày, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết tại hội nghị, Tổng thống Obama một lần nữa đề xuất các đồng minh GCC thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo chung, coi đó như công cụ răn đe đối với một nước Iran có vũ khí hạt nhân trong tương lai.
Thiết lập một cơ cấu phòng thủ chung cho vùng Vịnh được Nhà Trắng xác định là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-GCC. Theo quan chức trên, hệ thống phòng thủ tên lửa, nếu được thiết lập, sẽ do các nước vùng Vịnh quản lý và điều hành, còn Mỹ sẽ chỉ đóng vai trò cố vấn và hỗ trợ về kỹ thuật.
Ngoài đề xuất thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa, các nhà lãnh đạo Mỹ và GCC cũng sẽ thảo luận về vấn đề an ninh hàng hải, an ninh biên giới, chống khủng bố, gia tăng các cuộc diễn tập quân sự chung và ký các hợp đồng chuyển giao vũ khí. Cuộc khủng hoảng Yemen cũng sẽ là một chủ đề được thảo luận tại hội nghị.
Đề xuất thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa chung là một bước đi nằm trong nỗ lực của Nhà Trắng muốn giảm bớt mối quan ngại của các đồng minh vùng Vịnh về khả năng Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) từ nay đến hạn chót 30/6 có thể đạt được một thỏa thuận toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran.
Tới nay, một số nước vùng Vịnh, đặc biệt là giữa Qatar và UAE, vẫn còn những bất đồng cần phải giải quyết trước khi họ có thể bắt tay nhau thiết lập một hệ thống phòng thủ chung theo đề xuất của Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo Hải quân nước này đã tạm ngừng sứ mệnh hộ tống các tàu thương mại treo cờ Mỹ đi qua eo biển Hormuz. Hoạt động hộ tống được triển khai hồi tuần trước, sau vụ Iran bắt giữ tàu vận tải Maersk Tigris của Mỹ cùng hơn 30 thủy thủ tại khu vực này.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Đại tá lục quân Steve Warren cho biết tàu Hải quân Mỹ đã ngừng các hoạt động hộ tống nhưng vẫn ở lại khu vực này để tiến hành "các hoạt động an ninh hàng hải thông thường".
Theo giới phân tích, việc Hải quân Mỹ ngừng hộ tống tàu thương mại đi qua Hormuz là dấu hiệu cho thấy căng thẳng bắt đầu "hạ nhiệt" tại tuyến đường biển chiến lược này.
Eo biển Hormuz được đánh giá là một trong những tuyến vận tải xuất khẩu dầu mỏ quan trọng nhất của thế giới. Khoảng 30% tổng lượng dầu vận chuyển qua đường biển, tương đương 17 triệu thùng dầu/ ngày, đi qua vùng biển này.
TTXVN/Tin tức