Mỹ đã ngừng nghe lén lãnh đạo nước ngoài?

Bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nhằm vào các nước châu Âu tiếp tục xuất hiện nhiều tình tiết mới. Tờ "El Pais" của Tây Ban Nha số ra ngày 28/10 cho biết NSA đã nghe lén khoảng 60 triệu cuộc điện thoại trong không đầy một tháng từ 10/12/2012 đến 8/1/2013 - không chỉ theo dõi hàng triệu người dân Tây Ban Nha mà còn nhằm vào các chính trị gia và thành viên chính phủ nước này.

Dư luận Đức nổi sóng sau thông tin NSA nghe lén Thủ tướng Angela Merkel. Ảnh: AP


Tại Đức, truyền thông nước này khẳng định chính Tổng thống Barack Obama tại thời điểm năm 2010 đã được NSA báo cáo và trực tiếp yêu cầu NSA lập một hồ sơ toàn diện về bà Angela Merkel do người đứng đầu Nhà Trắng “không còn tin tưởng” nữ Thủ tướng Đức.


Trước phản ứng của nhiều đồng minh châu Âu, Mỹ dường như đã có sự thay đổi về quan điểm, theo hướng ngầm thừa nhận các hoạt động mờ ám của NSA. Tờ “Wall Street Journal” ngày 28/10 dẫn lời của một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, ông Obama đã nắm được thông tin về hoạt động do thám của NSA nhằm vào Thủ tướng Đức Angela Merkel và nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác - tổng số khoảng 35 người, sau khi mở một cuộc điều tra nội bộ được vào mùa hè vừa qua. Nguồn tin này còn nói rằng, NSA đã chấm dứt các hoạt động do thám đó sau khi Nhà Trắng biết chuyện.


Liệu NSA đã thực sự chấm dứt hoạt động nghe lén các nhà lãnh đạo thế giới, hay đây chỉ là cách Washington xoa dịu các đồng minh châu Âu? Chỉ biết rằng hiện mới có lãnh đạo thuộc bốn nước có thể miễn nhiễm trước các hoạt động nghe lén của NSA - là những nước kí hiệp định chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ, bao gồm Anh, Canada, Australia và New Zealand, trong đó quy định việc cấm theo dõi, nghe lén lẫn nhau.


Hoài Thanh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN