"Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh": Cuốn sách đầu tiên về lý luận Hồ Chí Minh

Cuốn sách "Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh" của tác giả Đoàn Duy Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, do NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành đúng dịp kỷ niệm 36 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày Quốc tế Lao động 1/5, và hướng tới ngày sinh nhật Bác (19/5), là một công trình khoa học đầy tâm huyết của tác giả dành cho "Người Cha già của dân tộc". Và theo đánh giá của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, đây cũng là tác phẩm “đầu tiên đề cập về Lý luận Hồ Chí Minh”.

Dày gần 200 trang, cuốn sách gồm 4 chương: "Từ tuổi thơ ấu đến ngày xuất dương", "Ra nước ngoài tìm đường giành lại Độc lập - Tự do cho Tổ quốc", "Giữ cơ nghiệp khó hơn dựng cơ nghiệp" và "Chín năm trước khi đi gặp Cụ Các Mác và Cụ Lênin", với nội dung được tác giả "đúc rút" lại ở cuối cuốn sách: "rút gọn cuốn sách bằng 12 từ "Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân chủ - Tự do - Hạnh phúc" cho Tổ quốc và nhân dân". 12 từ để nói lên sự nghiệp của một con người vĩ đại, một Anh hùng dân tộc, một danh nhân của thế giới.

Trên thực tế, đã có rất nhiều công trình khoa học, nhiều tác phẩm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, của đồng bào, đồng chí, của bạn bè và nhân dân thế giới ngợi ca tấm gương đạo đức, trí tuệ và nhân cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người đã có sức cổ vũ, động viên và cảm hóa hết sức lớn lao, không chỉ với mỗi con người Việt Nam, mà cả đối với loài người tiến bộ. Sự cảm nhận của mỗi người về cuộc đời, sự nghiệp, hành động và tư tưởng của Bác cũng được thể hiện khác nhau, để từ đó tự rút ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm quý báu.

Cũng như vậy, cuốn sách "Một số cảm nhận về tư tưởng - hành động của Hồ Chí Minh" của tác giả Đoàn Duy Thành đã trình bày hết sức sinh động, súc tích về cuộc đời, tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Từ tuổi thơ ấu, khi xuất dương bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, những hoạt động cách mạng của Người để sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng CSVN và nhân dân ta đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ...

Bắt đầu bằng những dòng văn rất giản dị giới thiệu về thân thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng rồi cuốn sách đã "cuốn" người đọc bằng lối hành văn trong sáng, mạch lạc, cách kể chuyện khá hấp dẫn và những câu chuyện về Bác khá mới mẻ: "Trong một chuyến về thăm quê, Nguyễn Tất Thành đã cùng một số bạn đến Đức Thọ - Hà Tĩnh, vào xem tư dinh Quan Quận công Hoàng Cao Khải. Bọn lính gác thấy nói là có học trò đến xem núi non bộ của dinh Quan Quận, liền bảo đám học trò làm thơ vịnh núi non bộ. Nguyễn Tất Thành nhìn trên núi non bộ có 3 ông già nhỏ bằng sứ, liền làm 4 câu thơ vịnh: "Kìa ba ông lão bé con con. Biết có tình gì với nước non. Trương mắt làm chi ngồi mãi đó. Hỏi xem non nước mất hay còn?". Bọn lính vào bẩm báo với cụ Quận Hoàng Cao Khải. Biết Nguyễn Tất Thành làm bài thơ này ám chỉ mình, nhưng cũng là nhà Hán học, đỗ Cử nhân, mà Tất Thành lại là con cụ Phó bảng, học lực hơn ông ta một bậc, nên ông ta chỉ khen qua loa và cho đi".

Cũng vẫn là bài học "chọn người" của Bác, nhưng cách viết của tác giả thật nhẹ nhàng mà cũng thật "thấm": "Cụ Hồ rất thận trọng trong việc lựa chọn những cán bộ kế cận. Trước hết là chọn những người "tài - đức song toàn". Tài và đức phải có đủ, không coi nhẹ phía nào. Người rất ít khi nhận xét về cán bộ, nhưng suy nghĩ kỹ đối với từng cán bộ. Bác ở gần gũi với nhiều cán bộ trong nước khoảng 29 năm, nhưng ít ai thấy Người nhận xét anh "A" thế này, anh "B" thế kia, chị "C" thế nọ".

Chính lối hành văn giản dị, nhưng cũng rất lôi cuốn ấy đã khiến cuốn sách có một cái tựa không phải là "dễ đọc", lại đã khá cuốn hút người đọc, đọc một mạch từ đầu tới cuối. Có lẽ cũng bởi, tác giả - dẫu không có thời gian ở bên cạnh Hồ Chủ tịch nhiều để hiểu về Người, nhưng đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về "Vị Cha già của dân tộc". Tác giả kể: "Năm tôi mới 14, 15 tuổi (1943 - 1944), trong một buổi nói chuyện, cha, bác và chú tôi bảo tôi: "Con học Hán tự đã mớm thông, theo Cụ Hồ để cứu nước, khỏi làm kiếp nô lệ cho ngoại bang". Cuối năm 1953, khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo, tôi có báo cáo lại với cha tôi: "Con đã làm đúng lời cha, bác và chú dạy: Khi địch đưa con vào nhà thương Chợ Quán - Sài Gòn chữa bệnh, một số nhà báo cả Pháp và Sài Gòn đến hỏi con, tại sao không theo Bảo Đại mà lại theo Cụ Hồ, họ đưa cả hai tấm ảnh ra, con đã chỉ vào ảnh Bảo Đại và nói: "Bảo Đại là bù nhìn". Ở nơi đối mặt với quân thù, mất đầu dễ như bỡn, con đã giữ được chữ Trung"...

Và chàng thanh niên Đoàn Duy Thành ấy đã giữ chữ "Trung" ấy của mình trọn cuộc đời cách mạng. Giờ đây, hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", và cũng là để giáo dục trước hết cho chính con cháu mình học tập, hiểu sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên tác giả đã quyết định viết cuốn sách này. Tác giả đã bỏ ra 2 năm (2008 - 2009) để đọc lại những tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với đó, những câu chuyện mà tác giả được nghe trong các cuộc gặp gỡ với những người đã có nhiều thời gian ở bên cạnh Bác như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Vũ Kỳ - thư ký của Bác... đã giúp tác giả có thêm tư liệu để viết cuốn sách này. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nhận xét: Cuốn sách đã phân tích khá sâu sắc về nguyện vọng và lòng ham muốn của con người ở các giai tầng trong xã hội, để từ đó rút ra: Cần hướng những ham muốn riêng tư của mỗi cá nhân sao cho phù hợp với ham muốn của từng đơn vị, từng địa phương và của cả dân tộc, cá nhân trong cộng đồng, như Bác Hồ đã nói: "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành".

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN