“Kon Keng giờ đã thoát đói nghèo rồi. Người Kon Keng đã trồng lúa nước để nhà nhiều thóc. Hôm nay làng cúng con dúi để mong Yàng phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, dân làng được mùa, no ấm” - A Sreng, già làng Kon Keng, xã Đăk T’lùng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum phấn khởi nói về sự đổi thay của mình và buôn làng.
Già A Sreng bên ao cá của gia đình. |
Hồi nhỏ gia đình già làng A Sreng khổ lắm, khổ đến nỗi không có cái gì ăn. Cái ăn còn chưa đủ thì lấy đâu ra cái mặc. Đi bộ đội, rồi xuất ngũ, già làng A Sreng về nhận công tác tại Ban tài chính xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy khoảng 7 năm. Về làng A Sreng được cán bộ địa phương hướng dẫn làm lúa nước cho nhiều hạt thóc. Ban đầu A Sreng trồng nửa sào thấy năng suất cao, A Sreng tiếp tục khai hoang, mỗi năm trừ chi phí cũng thu được khoảng 120 bao lúa, có của ăn, của để.
Sau khi thấy A Sreng làm lúa nước cho nhiều thóc, nhiều gia đình trong làng bắt đầu học hỏi theo già. Nhờ vậy, mà giờ đây người dân làng Kon Keng đã biết làm ruộng nước. Ông A Leo - Phó bí thư Đảng ủy xã Đăk T’lùng, cho biết: “Già A Sreng là người đầu tiên của vùng đất này biết trồng cây lúa nước. Già A Sreng đã góp phần thay đổi việc canh tác lạc hậu ngự trị hàng ngàn năm nay của người dân nơi đây. Nhờ già A Sreng mà dân làng Kon Keng đã thay đổi cách nghĩ, cách làm mới trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo”.
Khi những cánh rừng sưa (huỳnh đàn đỏ) của địa phương bị tàn phá do cơn sốt gỗ, già A Sreng đã suy nghĩ: “Lâm tặc" nó tận diệt hết, mình phải giữ lấy giống cây quý này cho con cháu mai sau. Già về nhà bàn với vợ, bán một con bò đực được 4,5 triệu đồng, cộng với ít vốn của gia đình, già lặn lội một mình băng rừng qua xã K’Rong giáp ranh của huyện K’Bang (tỉnh Gia Lai) để mua giống cây sưa về trồng. Ngày ngày già cặm cụi trồng cây trên rẫy. Đến nay, sau 6 năm trồng, chăm sóc, 500 cây sưa đã cao từ 3 - 4 m, đường kính mỗi gốc cây cũng gần bằng gang tay (15 - 20 cm). "Rừng" sưa được quy hoạch thẳng lối, cắt tỉa cành gọn gàng. Hiện giá trị của khu "rừng" sưa đã lên tới cả tỷ đồng. “Già trồng cho con cháu thấy lợi ích của việc bảo vệ tài nguyên rừng và giữ rừng, nhất là giữ gìn các loài động thực vật quý hiếm” - Già A Sreng nói.
Già A Sreng còn đào ao nuôi cá ngay tại “rừng” sưa. Già đào ba ao khác nhau để nuôi cá lóc, cá trắm và cá chép. Phía trên là một khu chuồng trại nuôi lợn rừng, dúi. “Già A Sreng là người xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp giỏi nhất huyện Kon Rẫy” - ông A Dim, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk T’lùng cho biết.
Trong làng, nhà nào có việc cần đều được già giúp. Già đến từng nhà hướng dẫn mọi người cách trồng, chăm sóc cây, con, kể cả những loại động vật rừng như dúi, lợn rừng. Kho thóc của già luôn rộng mở để cứu giúp dân làng khi khó khăn. Với già, được giúp mọi người là vui lắm rồi. Nhờ vậy mà dân làng Kon Keng luôn quý và tôn trọng già làng của mình. Đã gần 70 tuổi, nhưng già làng A Sreng vẫn dự tính sẽ trồng thêm cây cao su trên rẫy.
Bài và ảnh: Hoàng Cao Nguyên