Phát triển chăn nuôi đại gia súc giúp đồng bào dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo là một chủ trương lớn của tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình nuôi “giẽ” trâu bò: Những hộ có điều kiện kinh tế khá giả nhưng thiếu nhân lực sẽ đầu tư mua con giống để những gia đình nghèo chăn nuôi. Lợi ích kinh tế do các hộ gia đình tự thỏa thuận với nhau.
Năm 2008, gia đình ông Phúc Văn Chính, người dân tộc Tày (thôn Nà Noong, xã Năng Khả, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang) nhận nuôi “giẽ” trâu, bò theo hình thức bê nghé sinh sản chia đôi. Sau 4 năm tích cực chăn nuôi, đến nay, ông Chính đã có trong tay đàn gia súc với 5 con trâu, 6 con bò, kinh tế nhờ đó cũng được ổn định, con cái ông được học hành đầy đủ.
Ông Phúc Văn Chính thôn Nà Noong, xã Năng Khả, Nà Hang (Tuyên Quang) nhận nuôi “giẽ” trâu bò. |
Gia đình ông Hoàng Đình Tốn ở cùng thôn cũng thoát nghèo nhờ cách làm này. Nhìn trang trại với hàng chục con gia súc hiện nay của ông Tốn, ít ai biết chỉ cách đây vài năm gia đình ông là hộ nghèo nhiều năm liền của xã Năng Khả. Ông Tốn tâm sự, gia đình ông có 6 nhân khẩu, nhưng diện tích đất ruộng ít, nên luôn trong cảnh “ăn bữa nay lo bữa mai”. Khi có chương trình nhận nuôi “giẽ” trâu bò, ông đã chủ động xin được nuôi “giẽ” trâu, bò, dê với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả hơn trong thôn, trong xã. Với hình thức đàn mới sinh trong quá trình nuôi sẽ được chia đôi, có được con giống, ông tận dụng thêm lợi thế đồng cỏ, lập một trang trại nhỏ. Đến nay, ông đã có một đàn gia súc hàng chục con, giá trị cả trăm triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Tích, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nà Hang (Tuyên Quang) cho biết, ở những huyện miền núi như Nà Hang, chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động thời vụ lúc nhàn rỗi. Nuôi "giẽ" trâu bò là mô hình tự phát, đã xuất hiện nhiều năm nay. Hội Nông dân huyện khuyến khích, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ nhiều gia đình tham gia. Mô hình mang lại hiệu quả, giúp nhiều gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng.
Cùng với mô hình nuôi "giẽ" trâu bò, Hội Nông dân huyện còn lồng ghép với Chương trình 530 cho vay bò luân chuyển. Những hộ nông dân nghèo, đời sống khó khăn sẽ được nhận nuôi trâu, bò mẹ trong vòng 3 năm, sau đó được giữ lại trâu bò mẹ và luân chuyển bê, nghé cho những hộ gia đình nghèo khác có thêm tư liệu sản xuất. Năm 2011, Hội Nông dân Nà Hang (Tuyên Quang) đã điều chuyển 18 con bò đủ tiêu chuẩn cho 18 hộ với tổng trị giá 150 triệu đồng. Từ chương trình, nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo như hộ Chu Cảnh Đài, Nguyễn Hải Ấn (xã Năng Khả), hộ bà Dương Thị Ba (xã Thanh Tương).
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý