Năm mẹ tôi 75 tuổi (1978), mẹ chẳng may trượt cầu ao bị gẫy xương đùi, đoạn gần xương củ chối (hông - chậu). Ra bệnh viện tỉnh (Hà Tây cũ) chụp phim xong, bác sĩ phòng khám khuyên: “Thôi! Cụ già rồi, nếu bó bột, phải nằm bất động một thời gian dài, do ảnh hưởng từ khâu bài tiết, sẽ phát sinh bệnh thận, bệnh phổi, không mấy mà chết. Chi bằng cứ để vậy còn hơn!”.
“Còn nước còn tát” tôi thuê xích lô đưa mẹ đến ông lang Hanh ở Hưng Yên, một địa chỉ nổi tiếng khắp vùng về chữa gẫy xương bằng thuốc lá. Đến nơi, chỉ mới nhìn qua phim, ông ta đã lắc đầu: Do gẫy quá sâu (hay quá cao) mỗi lần đại, tiểu tiện, bắt buộc phải nâng lên, đặt xuống, ảnh hưởng xấu đến chữa trị, cộng với người già, xương rất khó liền. Ông dứt khoát không nhận, mặc cho tôi cầu khẩn, van nài.
Về nhà, tôi mời mọi người trong chi môn đến uống nước, đề nghị họ: ai biết ở đâu có thầy hay thì giới thiệu. Kết quả, đã tìm được ông lang Trù ở thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ (nay thuộc Hà Nội) nhận đến tận nhà chữa.
“Gia đình để hơi lâu (ông lang Trù nói) Nếu miếng thuốc đầu tiên này, tôi bó cho cụ, mà sau 3 giờ đồng hồ, cụ kêu đau, tôi mới chữa tiếp. Ngược lại, nếu cụ vẫn không thấy có gì khác thường, thì cũng đành chịu!” Tôi gửi tiền, ông không nhận, bảo để sau, khi nào cụ lành hẳn.
Hồi hộp, mong đợi một tiếng kêu đau từ mẹ. Và niềm vui vỡ òa, khi mẹ tôi gọi tôi nói: cụ thấy đau ở chỗ buộc thuốc. Tôi vội vàng đạp xe (ngày ấy, điện thoại bàn còn chưa có, nói gì đến di động) vào báo tin cho thầy lang. Năm ngày sau, ông ra thay thuốc. Và cứ như thế, đều đặn, đúng 5 ngày một lần, ông đạp xe ra, đạp xe về, mỗi lần 20 km. Trong thời gian chữa trị, ông còn cắt thuốc uống, để mẹ tôi được lưu thông khí huyết.
Đến miếng thuốc thứ 7, ông kết thúc liệu trình điều trị và truyền cho tôi niềm tin tưởng của ông: “Tôi chỉ bó đến miếng thuốc này là cụ đi được!”.
Quả nhiên như vậy. Sau khi tháo nẹp, với sự trợ giúp của con cháu, cụ đã đứng được. Những bước đi đầu tiên phải có người dìu, dần dà, cụ đi lại được một mình với chiếc gậy trong tay, chỉ có điều trông hơi tập tễnh.
Chẳng nói thì ai cũng biết, gia đình tôi vui sướng đến mức nào. Nếu không chữa được, trước là khổ mẹ, sau khổ con, khổ cháu, phải “câu dầm. cầm chèo” hầu lìa sớm tối.
Cái may mắn (cũng là cái phúc lớn) này đã giúp mẹ tôi sống tiếp được 13 năm nữa. Vậy mà ngày ấy khi tôi xin thanh toán tiền, ông lang Trù cứ một mực “Đưa bao nhiêu thì đưa”. Chỉ riêng câu nói này, đã khiến tôi nể trọng ông, chưa nói đến kết quả chữa trị là vô giá. Tôi nào dám tự quyết. Nài nỉ mãi ông mới bảo: “Thôi cho tôi 2.000 đồng” (Hai nghìn đồng). Hiểu cái tâm của ông là làm phúc, “cứu nhân độ thế”, nếu tôi cứ cố tình trả hơn, biết đâu lại chẳng trở thành một sự xúc phạm “Kính chẳng bõ phiền”, tôi trả đúng 2.000 đồng và trân trọng biếu riêng 1.000 đồng (Một nghìn đồng) nữa , để xin cái lộc của ông. Ông vui vẻ nhận.
Từ đấy, hằng năm cứ đến ngày Tết (Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy) là tôi lại vào nhà ông ở Đồng Lệ để chúc Tết, mừng tuổi ông bà. Sau khi ông qua đời, con trai ông nối nghề, tình cảm giữa hai gia đình vẫn giữ được thân thiết như hồi mẹ tôi và ông còn sống. Bà con trong Đồng Lệ quê ông nhận xét: Cứ tưởng chữa bệnh, trả tiền xong là hết, hóa ra: vẫn còn!
Được biết, cách hành xử của gia đình ông lang Trù, không chỉ riêng với trường hợp mẹ tôi, mà với tất cả những người bệnh khác cũng vậy. Trong xã hội ta hôm nay, hoặc phải trực tiếp, hoặc gián tiếp chứng kiến những biểu hiện sa sút về y đức, tôi càng thêm trân trọng phẩm chất của một “Thầy lang chân đất” như ông. Tài năng và đức độ của ông, đáng để cho nhiều thầy thuốc (kể cả giáo sư, tiến sĩ đi xe hơi, ở nhà lầu) ngày nay suy nghĩ, học tập.
Nguyễn Văn Cự