Mạnh về biển, làm giàu từ biển - Bài 1: Phát triển thương hiệu biển

Chiến lược biển Việt Nam xác định mục tiêu đến năm 2020 sẽ phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Để đạt được mục tiêu này, nhiệm vụ cấp bách là xây dựng một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, trong đó việc phát triển thương hiệu biển Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết. Báo Tin tức xin được giới thiệu loạt bài viết ghi lại ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế về vấn đề phát triển thương hiệu biển.


Bài 1: Phát triển thương hiệu biển


Khai thác thế mạnh từ biển


Tiềm năng tài nguyên vùng biển và ven biển Việt Nam phong phú và đa dạng, nổi bật là dầu khí; nguồn lợi thủy sản; các hệ sinh thái biển, ven biển; băng cháy và các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng; dọc bờ biển có trên 100 địa điểm có thể xây dựng cảng, trong đó, có những địa điểm xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; nhiều đảo có tiềm năng phát triển mạnh về kinh tế; hơn 125 bãi biển lớn, nhỏ với cảnh quan đẹp, có điều kiện tốt để xây dựng các khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng, du lịch. Vùng biển Việt Nam còn có vị trí địa lý kinh tế đặc biệt quan trọng, là điểm nhấn trên đường hàng hải quốc tế, cầu nối thương mại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tiềm năng lợi thế kinh tế vùng biển, ven biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Với việc áp dụng quy trình giám sát, quản lý hải quan mới, hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng biển, trong đó có cảng Hải Phòng sẽ được thông quan nhanh hơn. Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN


Tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu biển mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu do nhiều lý do. Việc quản lý khai thác, sử dụng vùng biển, ven biển và hải đảo đang bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập dẫn đến việc khai thác và sử dụng biển, đảo kém hiệu quả. Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách phù hợp, thống nhất và đồng bộ để xây dựng một qui hoạch tổng thể cho việc sử dụng biển và hải đảo. Việc đánh giá, nhìn nhận về lợi thế tiềm năng tài nguyên, môi trường biển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, dẫn đến việc thiếu quan tâm chú trọng tập trung nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế biển, đảo.

 

Tạo cơ chế, chính sách đủ mạnh


Để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo và phát triển thành công thương hiệu biển Việt Nam, Nhà nước phải có một cơ chế chính sách cụ thể, phù hợp và đồng bộ cùng với nguồn lực đầu tư đúng hướng, đủ mạnh.

Sáng 8/6, tại thị trấn Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức mít tinh nhân Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2013 và Ngày Đại dương thế giới (8/6). Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tới dự.

 Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, biển và hải đảo có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh.

Trước những tiềm năng, lợi thế to lớn của biển, đảo, Nghị quyết Hội nghị lần thứ IV (khóa X) Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định rõ mục tiêu: “Đến năm 2020, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh”.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và pháp luật về biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữa phát triển các vùng biển, ven biển và hải đảo với phát triển các vùng đồng bằng, đô thị. Cần có chính sách đặc biệt để khuyến khích, hỗ trợ nhân dân định cư lâu dài trên đảo, ngư dân đánh bắt xa bờ, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.


Cần xây dựng và phát triển thương hiệu biển trên cơ sở phải gắn giữa khai thác với bảo vệ môi trường biển và gắn giữa khai thác nguồn lợi với bảo vệ nguồn lợi lâu dài của biển, đảo. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu biển là tạo ra phương pháp tiếp cận mới nhằm khai thác các sản phẩm biển, đảo hiệu quả, bền vững. Phát triển thương hiệu biển phải dựa vào các sản phẩm, dịch vụ của biển, đảo đã có sẵn, trong đó chú trọng phát triển vào các sản phẩm biển có thế mạnh, đặc trưng trong một ngành hay một lĩnh vực của kinh tế biển.


Xây dựng thương hiệu biển không chỉ là việc khai thác, sử dụng biển thế nào cho hợp lý, hiệu quả và bền vững mà là việc liên kết giữa các ngành, nghề trong việc xây dựng một thương hiệu mang tầm vĩ mô. Do vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển cho hợp lý, thích hợp để huy động sự tham gia tích cực, sự phối hợp, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu biển.


Nhà nước cần có một cơ chế, chính sách đặc thù, hấp dẫn tạo ra những lợi thế ưu đãi khuyến khích cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư để phát triển thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp mình.


“Chiến lược biển đến năm 2020” đã xác định trong đó, phát triển thương hiệu biển là vấn đề mấu chốt. Điều này không chỉ để chúng ta phát huy nội lực, mà còn để chúng ta hội nhập sâu, rộng hợp tác kinh tế quốc tế và liên doanh, liên kết với nước ngoài, đặc biệt quan tâm học hỏi, trao đổi với các nước có trình độ khoa học, quản lý biển tiên tiến để áp dụng vào quản lý khai thác, sử dụng và bảo tồn biển, đảo Việt Nam hiệu quả, bền vững.


Để phát triển kinh tế biển và thương hiệu biển, Nhà nước cần tranh thủ các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, cần ưu tiên tập trung nguồn lực vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế biển (ưu tiên đầu tư vào xây dựng đường giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, các công trình biển... ); chú trọng quảng bá, phát triển thương hiệu biển Việt Nam nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh kinh tế biển, đảo.

 

Bài 2: Mô hình thương hiệu biển Việt Nam


Ông Hoàng Duy Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo

Mạnh về biển, làm giàu từ biển: Thương hiệu biển phải gắn liền với thương hiệu quốc gia
Mạnh về biển, làm giàu từ biển: Thương hiệu biển phải gắn liền với thương hiệu quốc gia

Việc xây dựng chiến lược quốc gia về thương hiệu biển phải gắn kết được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước, chiến lược phát triển ngành quan trọng và chiến lược phát triển vùng, nhất là vùng ven biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN