Cứ vào thời điểm cuối năm, quê tôi lại vào mùa lụt. Mấy chục năm trời cứ lầm lũi trôi đi theo những mùa nắng, mùa lụt quê nhà mà chưa bao giờ có cảm giác thân thương, gắn bó như bây giờ. Đêm, nằm nghe mưa lộp bộp gõ vào mái tôn những âm thanh càng khuya càng khắc khoải mà lòng bâng khuâng thả mình về những mùa lụt cũ.
Hồi nhỏ, mỗi lần lụt xong, mưa vừa ngớt là tôi lại theo ba ra đồng bắt dế. Ba tôi thường đi trước, tay cầm một sợi lạt nhỏ buộc lại một đầu, đầu kia thì vót nhọn đi trước. Tôi theo sau, hồi ấy khoảng chừng 3 hoặc 4 tuổi gì đấy. Cũng chạy theo thôi chứ ba ít khi cho tôi đi theo lắm. Sau mưa lớn, hang dế bị ngập, thế là chú dế nào to gan thì nhô đầu ra khỏi hang để thở, chú nào bé gan thì bỏ tổ chui vào bờ, vào bụi cỏ để trú tạm thời.
Trong trí nhớ của mình, tôi vẫn còn cảm giác được dáng đi của ba lúc ấy. Trời vừa mưa xong, đất lún, lại không muốn những con dế bị động, chui lại vào hang nên ba nhón chân từng bước một khi đến chỗ muốn bắt. Ba đi nhè nhẹ lại hang nào có dế thò đầu lên, lấy hai ngón tay thọc vào hang, phía đằng sau lưng chú dế, tay còn lại nhẹ nhàng tóm lấy. Có chú nhanh chân nhảy đi, nhưng mà chạy đâu cho thoát bởi xung quanh đều là đất và nước. Ba tôi thường bắt dế trên những hàng khoai lang ngập nước. Mùa mưa, dế thường làm hang trên vồng khoai lang. Khi bị lụt ngập hang, dế thò đầu sắp hàng như người ta ở trong hầm ngóng ra ngoài.
Vừa bắt, ba tôi thường chỉ bảo tôi cách nhìn nhanh xem hang dế có dế ra đứng ở cửa hang hay không và làm cách nào để bắt nhanh nhất. Để rồi sau đó, dần dần lớn lên, theo cách ba bắt, tôi cũng bắt được khá nhiều dế mỗi khi mùa lụt về. Niềm vui khi tự mình bắt được dế thì tôi được cảm nhận ngay từ lần đầu tiên theo ba đi bắt. Nói là tự mình nhưng ba bắt một con dế để chạy trên mặt đất, tôi chạy theo và bắt lại được. Thế mà vui! Nhưng ngay sau đó, trận khóc lại bắt đầu. Tôi cứ nhè ngay chỗ răng của nó mà cầm vào. Ôi thôi, ngón tay của một đứa bé 3 tuổi với những răng dế trong cơn cùng khốn mong thoát thân trở nên tội nghiệp làm sao. Nhưng cả niềm vui và cái đau ấy có lẽ sẽ theo tôi đi đến hết cuộc đời này.
Với những chú dế làm hang ở dưới thấp thường hay chui vào bờ hay những bụi cỏ ấu mọc giữa đồng. Vạch nhẹ cỏ ra sẽ thấy những chú dế giơ bụng trắng phau, căng tròn. Lúc ấy chỉ cần nhón tay, dễ dàng bắt và xâu dế. Nhưng cũng phải tinh mắt và chịu khó bởi nhiều chú dế trong lúc không nhà trú ngụ, đã tìm những cách ngụy trang rất khôn khéo, cuộn mình trong những đám cỏ khô hay những đám rác mà mưa lụt làm trôi lại với nhau thành đống. Có khi chạm vào, các chú cũng nằm im không động đậy. Trong giờ khắc sinh tồn giữa sống và chết, nhiều chú dế vẫn mong có điều thần kỳ, mong người đi bắt không nhìn thấy mình.
Đi bắt chừng nửa tiếng là đã có hai xâu dế dài. Mẹ ở nhà, vá lại những quần áo của ba và chị em tôi. Thấy hai cha con về nhà với hai xâu dế dài trên tay, mẹ mỉm cười, vội vàng xuống bếp. Bữa cơm chiều hôm ấy lại thêm món dế xào rất tuyệt. Dế bắt về bỏ cánh, bỏ chân (chỉ để lại hai bắp đùi sau), rồi làm ruột. Mẹ bỏ dế vào chảo đã phi dầu sẵn, cho thêm ít ớt và gia vị, xào lênthơm “nức mũi”. Ngày lụt, không có thức ăn, mà có thì lúc ấy cũng không đủ tiền để ra chợ mà mua. Sau một trận lụt, những luống rau, hàng khoai (thu nhập chính của gia đình tôi hồi ấy) cũng theo con nước mà héo úa, mà chết đi. Bởi vậy, được một chảo dế xào bốc khói nghi ngút, ấy là niềm vui, sự cứu cánh không chỉ với bản thân tôi mà là cả của gia đình tôi nữa. Ba mẹ mỉm cười khi thấy những đứa con mình không phải đói như những đứa bé hàng xóm khác.
Giờ, mỗi khi có lụt, tôi lại nhớ cái vị dế xào thơm thơm béo béo ngày nào, nhớ những buổi cùng ba đi bắt dế. Và cũng đã lâu rồi tôi không cho phép mình bắt những con dế sa cơ mất chỗ ở, đang chạy loạn tìm chốn dung thân ấy nữa. Thấy nhẫn tâm quá! Nhưng ngày xưa thì phải bắt thôi, khi cái đói đang treo lơ lửng trên đầu cả gia đình bé nhỏ của mình...
Nguyễn Thành Giang