Lốp xe từ... rễ bồ công anh

Nhiều người mê mẩn vẻ đẹp rực rỡ mà nhẹ nhàng của những cánh đồng bồ công anh vàng rực, thả hồn theo những hạt bồ công anh bay trong gió. Thế nhưng, ít ai biết rằng loài hoa mỏng manh này lại có thể được dùng để làm... lốp xe.


 

Trong tương lai không xa, lốp chiếc xe đạp dựng trên cánh đồng bồ công anh vàng rực sẽ được làm từ nhựa mủ của loài hoa xinh đẹp này.

Đó là ý tưởng mà các nhà khoa học công ty công nghệ sinh học Hà Lan KeyGene đang biến thành hiện thực. Khác với chúng ta, họ cho rằng vẻ đẹp đích thực của loài hoa này nằm ở bộ rễ dưới đất. Rễ bồ công anh chứa nhựa mủ, một chất lỏng trắng như sữa có thể dùng như cao su tự nhiên.


Tới năm 2020, mức cầu thế giới về cao su tự nhiên sẽ vượt quá mức cung 20%. Công ty KeyGene cho rằng, cây bồ công anh có thể đáp ứng được lượng thiếu hụt này. Nếu được phát triển và bán như hàng hóa, giá trị của nó có thể lên tới hơn 100 tỷ USD/năm.


Tuy nhiên, rễ bồ công anh hơi nhỏ để sản xuất cao su thương mại. Do đó, KeyGene đang tìm cách phát triển một giống bồ công anh có rễ mập hơn, chứa nhiều nhựa mủ hơn và phù hợp với quy trình chế biến công nghiệp. Tổng Giám đốc KeyGene, ông Arjen Van Tunen, cho biết: “Chúng tôi đang lai tạo giống bồ công anh của Nga và giống bồ công anh thông thường bằng cách dùng công nghệ ADN hiện đại”.


Ông Tunen giải thích thêm: Quy trình lai tạo gồm phân tích các giống bồ công anh khác nhau trồng trong nhà kính, sàng lọc để lấy biến thể có đặc điểm có lợi về mặt sản lượng, chất lượng, độ bền, có khả năng chịu hạn và dịch bệnh. Sau đó, vật liệu gien có các đặc tính tốt sẽ được tách riêng ra và dùng cho vụ mùa mới.


Cùng chung nhận định lấy cao su từ bồ công anh rất có tiềm năng, Tập đoàn sản xuất lốp xe đa quốc gia Apollo Vredestein đang phối hợp với KeyGene để phát triển dự án này. Ông Peter Snel, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Apollo Vredestein, cho biết những mẫu lốp xe đầu tiên từ nhựa bồ công anh đã được sản xuất. Còn sản xuất thương mại quy mô lớn có thể thành hiện thực trong 5 đến 10 năm nữa, ngay khi có đủ lượng nguyên liệu cần thiết.


Ông Snel tin rằng, lấy nhựa mủ cao su từ loài hoa xinh đẹp này sẽ khả thi về mặt kinh tế. Ông nói: “Nguyên liệu thô đóng vai trò quan trọng quyết định giá bán lốp xe. Đầu tư vào dự án bồ công anh sẽ được lời lớn sau này”.


Trong khi đó, ông Tunen cho rằng phương pháp của KeyGene là cách nhanh và rẻ hơn là biến đổi gien. Ông Tunen khẳng định công ty của ông không đưa gien từ loài khác vào cây bồ công anh mà chỉ tận dụng ADN có sẵn trong loài và thúc đẩy quá trình tiến hóa tự nhiên.


Đây là một điều rất quan trọng vì một số khách hàng của công ty KeyGene nói riêng và người châu Âu nói chung phản đối mạnh mẽ phương pháp biến đổi gien trong nông nghiệp.


Ông Tunen cho biết thêm, công nghệ của KeyGene còn có thể áp dụng với nhiều cây trồng khác ngoài bồ công anh. Lúa mì kháng nấm, lúa mạch năng suất cao, cải bắp chịu khí hậu nóng... có thể là tương lai không xa của ngành nông nghiệp. Ông nói: “Nhiều nông dân châu Âu muốn trồng các cây có gien được cải tiến nhưng không phải là biến đổi gien. Chúng tôi có thể cho họ một lựa chọn. Công nghệ mà chúng tôi đã phát triển sẽ giúp nâng cao phẩm chất cây trồng theo cách tự nhiên, không cần lai với các loài khác mà vẫn đạt được sản lượng cao”.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN