Trong những năm gần đây, trào lưu đô thị hóa đã và đang lan rộng ra các vùng ngoại thành cũng như các vùng nông thôn lân cận khác. Xét về mặt tích cực thì đúng là đô thị hóa đã làm cho bộ mặt ở những làng quê này ngày một thay da đổi thịt, kinh tế phát triển, nhịp sống văn minh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều mà rất nhiều người quan tâm, lo ngại song hành với bộ mặt đô thị phát triển, đó là một thế hệ những lớp người trẻ tại những vùng quê này đang ngày càng hư hỏng. Ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy có rất nhiều các em thanh, thiếu niên bỏ học, mặc dù điều kiện kinh tế ở những gia đình có con bỏ học ấy không hề nghèo túng, nếu không muốn nói là giàu có, khi đất đai và những cơn sốt đất đã tự dưng mang tới cho họ giàu lên. Tỷ lệ học sinh bỏ học nửa chừng ở ngoại thành ngày một nhiều, bởi chính các em chán học và hơn thế nữa, cha mẹ các em ấy cũng không quan tâm tới tương lai của chúng, vì vậy họ chấp nhận để con bỏ học. Đáng lẽ ra, khi kinh tế khá giả lên, người ta càng có điều kiện để vận động con em mình đi học và học đến nơi đến chốn. Thế mà thực tế thì lại đi ngược lại hoàn toàn, đó là một điều rất buồn…
Dịp mới đây về quê bên Đông Anh, tôi nghe được mẹ tôi nói mấy đứa em con chú, con cô và cả nhiều đứa hàng xóm bỏ học hết rồi. Nhà nào cũng bán đất và giàu có lên nên bọn chúng đều không thích học nữa. Những đứa trẻ trở nên lêu lổng khi cũng không còn ruộng mà làm và chúng hay đàn đúm, tụ tập suốt ngày đêm. Bố mẹ sẵn có tiền bán đất nên chúng xin mua xe máy, mua sắm quần áo, các vật dụng, tiền đi chơi… Thói ăn chơi, đàn đúm và không chịu làm ấy dần dần khiến chúng trở nên hư hỏng. Không ít thanh thiếu niên ở quê đã “bập” vào các loại hình tệ nạn xã hội, trong đó có những đứa dùng cả chất trắng chết người hêrôin! Tại làng quê tôi, đã có khá nhiều vụ án mà thiếu niên người làng do không có tiền ăn chơi nên đã tổ chức trấn lột, cướp bóc của công nhân khu công nghiệp và hậu quả là… tù tội! Ôi, nhìn những lớp người trẻ bây giờ của làng hư hỏng, ít học và đầy rẫy tệ nạn mà thấy buồn quá. Hiện tại, có thể nhiều gia đình đang có tiền thì vẫn có thể chu cấp, vẫn có thể nuôi nấng, nhưng nay mai, khi lớn lên, bố mẹ già, mất đi và không còn tiền bạc nữa thì chúng sẽ lấy gì để sống, rồi tương lai sẽ đi về đâu?...
Mẹ tôi bảo: “Không chỉ ở làng mình, mà làng nào ở cái xã này, cũng như mấy xã lân cận, rất nhiều bọn trẻ đều hư hỏng hết. Đây là thực trạng chung nên nhiều khi bố mẹ cũng bất lực…”.
Vâng, khi những đứa trẻ đã dấn thân vào con đường hư hỏng rồi thì kéo được chúng ra khỏi con đường ấy quả là một vấn đề rất khó khăn. Tuy nhiên, vẫn không có gì là quá muộn khi các bậc phụ huynh cần phải quyết tâm, phải cứng rắn, kiên quyết trong việc giáo dục, dạy bảo con cái mình. Không được để con mình bỏ học, dù với bất kỳ hoàn cảnh nào bởi nếu không có học thì tương lai chúng sẽ rất mờ mịt. Bất đắc dĩ nhất, nếu con mình mà không học được thì cũng nên hướng chúng học một công việc, hay nghề nghiệp nào đấy để lấy một cái “nghề” cho nguồn sống tương lai của chúng. Nếu cứ phó mặc, cứ để cho một lớp người trẻ ở những vùng quê đã, đang đô thị hóa là lỗi một phần ở những bậc làm cha, làm mẹ…
Duy Hoàng