Lòng tốt bị lợi dụng

Vợ tôi là một phụ nữ nhân hậu và cả tin. Chính vì vậy cô ấy hay bị bạn bè và họ hàng lợi dụng để vay tiền rồi không trả.

Ảnh minh họa


Cách đây hơn hai năm, một người bạn hỏi mượn tiền vợ tôi. Tôi nghĩ, trong cuộc sống, ai mà chẳng có lúc bí bách về tiền bạc nên khi cô ấy bảo cho bạn vay (với số tiền khá lớn), tôi cũng đồng ý. Vả lại người bạn đó nói chỉ là vay nóng, một hai tuần sẽ hoàn trả. Nhưng hai, ba, rồi bốn tuần trôi qua chẳng thấy người bạn đó mang tiền đến. Cho đến nay, người này mới trả cho chúng tôi một một nửa số nợ. Đây không phải là vụ duy nhất cô ấy cho người khác vay tiền rồi bị quỵt nợ.

Anh chị em đằng vợ biết chúng tôi có của ăn của để nên hay kể khổ để lấy cớ vay tiền của gia đình tôi. Hết cậu út rồi lại đến dì ba và bác cả, ai cũng kêu túng thiếu để vợ tôi thương cảm. Điều đáng nói ở đây là những người anh em họ hàng này thực sự không túng thiếu. Cứ hễ ai cần mua sắm thứ gì, đối tượng cần nhắm đến đầu tiên để vay đều là vợ tôi. Đơn cử, chị ruột của cô ấy cách đây hơn một năm muốn mua một chiếc ti vi mới để thay thế chiếc ti vi bị “vu” cho là cũ hỏng cho dù vẫn chạy tốt. Tôi biết chắc nhà chị ấy có thừa tiền để mua vài cái ti vi mới, chứ không chỉ một cái, thế mà chị ấy vẫn cứ hỏi vay vợ tôi 5 triệu đồng. Tất nhiên là vợ tôi không từ chối. Còn nữa, cách đây không lâu, cháu ruột cô ấy muốn đổi xe máy từ chiếc Wave S sang xe Lead, cũng hỏi vay cô ấy 20 triệu đồng... Còn những vụ vay năm, bảy trăm nghìn đồng mỗi lần thì kể không biết bao nhiêu cho xuể. Cho đến nay, số tiền mà cô ấy cho người nhà vay lặt vặt cũng đến con số gần trăm triệu đồng, thế nhưng chẳng có mấy người mang trả chúng tôi dù họ chỉ hẹn vay có vài ba tháng.

Sau này tôi biết được ngoài lý do là cô ấy cả nể, dễ tin người thì còn một lý do khác khiến bạn bè và những người họ hàng lợi dụng cô ấy. Họ thấy tôi kiếm tiền… như rác. Quả thực, tôi kiếm được nhiều tiền thật nhưng đâu có phải kiếm một cách dễ dàng như mọi người nghĩ. Tôi cũng phải lao động, đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có được.

Tôi rất muốn những đồng tiền tôi kiếm ra phải được chi tiêu hợp lý. Tôi có nên siết chặt hầu bao và kiểm soát việc chi tiêu của cô ấy không?


Nguyễn Văn Hà (Hà Nội).

Nếu anh thực hiện phương thức siết chặt hầu bao và kiểm soát chi tiêu của vợ, chắc chắn anh sẽ đạt được mục đích của mình là kiểm soát được tài chính gia đình. Tuy nhiên, việc này khiến cô ấy sẽ đặt câu hỏi tại sao anh lại quay ra kiểm soát việc cô ấy chi tiêu từng đồng. Hơn nữa, cách làm này chưa chắc đã giải quyết triệt để vấn đề, rất có thể bạn bè, họ hàng không biết được chuyện cô ấy bị kiểm soát về chi tiêu nên vẫn tiếp tục hỏi mượn tiền. Vô hình trung, cô ấy bị đẩy vào thế bí: Không cho mượn thì ngại mà cho mượn thì không biết lấy tiền ở đâu.

Tốt nhất, thay vì làm cách trên, anh cứ trao đổi trực tiếp với cô ấy để đi đến thống nhất: Người nào có nhu cầu chính đáng và thực sự bức thiết thì mới cho vay; để tránh thói quen trông chờ, ỷ lại, thậm chí là lợi dụng của những người này đối với vợ chồng anh.

Chúc anh sớm giải quyết việc này ổn thoả.

Hiền Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN