Lời thì thầm ngõ nhỏ

Nếu nhìn phố phường rực rỡ ánh đèn, nhà cao tầng san sát chen lấn, người ta mới chỉ thấy hình ảnh hào nhoáng bên ngoài của Hà Nội. Còn muốn lắng nghe những ân tình, muốn thu nhận lời thì thầm của hồn cốt Hà thành, hãy đến và hòa vào từng con ngõ nhỏ, phố nhỏ. “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó. Đêm lặng nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”.

Mỗi con ngõ ẩn chứa một nỗi niềm tâm sự. Ảnh: ihay.thanhnien.com.vn



Mỗi con ngõ ẩn chứa một nỗi niềm tâm sự. Và, mỗi lần ngang qua những ngõ nhỏ Hà Nội, tôi lại lặng yên lắng nghe lời thầm thì của một thưở vọng về, lời thủ thỉ tâm tình từ góc khuất sâu kín của phố xá.


Bạn có nghe không, từng con ngõ Hà Nội nhắc nhớ về vẻ đẹp của một thời xa xưa từ những cái tên cổ kính, trầm mặc, mang dấu ấn của làng. Đó là: ngõ Tạm Thương, ngõ Phất Lộc, ngõ Tràng An, ngõ Gạch, ngõ Cấm Chỉ,… Sự phân biệt ranh giới giữa ngõ và phố cũng thật mập mờ, không rõ ràng. Có người gọi là ngõ, có người lại gọi là phố. Chỉ có một điều chắc chắn rằng nơi đó ẩn giấu một khoảng không gian be bé, nho nhỏ với cuộc sống của những mảnh đời, những phận người.


Mỗi ngõ nhỏ mang một nét riêng biệt. Nhắc đến ngõ Cấm Chỉ, ta sẽ lạc vào thế giới ẩm thực đa dạng với rất nhiều món ăn, đặc sản của các vùng miền. Ngõ Phất Lộc được mệnh danh là con ngõ có lối đi rồng rắn nhất trong 36 phố phường. Ngõ Quỳnh là con ngõ dài nhất luồn chạy như một sợi dây chão qua bao số nhà,...


Không ai đếm được và có thể biết chính xác Hà Nội có bao nhiêu ngõ. Đi vào các con ngõ, cảm giác như đang trải qua một cuộc thám hiểm, phiêu lưu kỳ thú, như lạc vào mê cung vô tận. Tôi vẫn nhớ, ngõ xưa tôi từng ở rất hẹp. Lần đầu tiên đi xe qua, tôi cảm thấy khó chịu với sự chật chội, gò bó. Vậy mà, dần dần mê, từ lúc nào không hay. Để rồi, mỗi sáng tôi chọn lối đi làm qua con ngõ khó luồn lách ấy và khả năng lái xe dường như cũng tăng lên một bậc, đi một lèo xuyên ngõ không cần chống chân, không cần dừng lại. Mỗi lần đi xe ngang qua còi xe khua lên âm thanh rộn ràng vui tai, báo hiệu cho người ngược chiều phía bên kia. Người này muốn qua, người kia ắt phải dừng lại nhường lối, tránh va chạm. Phải chăng ngõ nhỏ khiến cho con người biết nhường nhịn, lịch sự với nhau hơn - một thứ văn hóa ngõ ngách?


Tôi thích cảm giác nằm trong căn phòng trọ xíu xiu, dõi mắt theo ánh nắng chiếu rọi vào, lắng nghe những tiếng rao từ ngõ “Ai bánh rán, bánh mỳ, bánh ngọt đây”, “Ai ngô luộc đây”. Âm thanh cuộc sống dồn tụ lại trong tiếng rao. Tha thiết dịu dàng lắng đọng. Ngõ chắt chiu một cách tinh tế thanh âm cuộc sống.


Ngõ nhỏ nhưng lại mở ra cả một không gian sống. Người dân trong ngõ tận dụng từng khoảng không gian ít ỏi để bán nước, vài quán trà nho nhỏ, nơi mọi người thủ thỉ cùng nhau câu chuyện mỗi ngày. Ngồi đây, lặng ngắm nhìn phố phường xe cộ ngược xuôi để thấy chính ngõ gọi về những xúc cảm dịu dàng, lắng đọng nhất. Ngõ cũng chính là nơi kết nối con người. Một cốc nước trà nghi ngút khói, một điếu thuốc, dăm ba câu chuyện đời thường kéo khoảng cách con người sát lại bên nhau.


Ngõ chất chứa trong đó những phận đời trôi dạt, long đong. Bao kiếp sống từ mọi miền quê tụ hội về, tìm kế sinh nhai. Ngõ hiền dịu, nhân từ cưu mang tất cả. Mỗi ngày, ngõ tiễn bước chân chị bán bún, cậu bé đánh giày, anh xe ôm,.. Mỗi tối ngõ mở vòng tay đón tiếng bước chân nơi cầu thang kẽo kẹt. Ngõ ôm tiếng rao lọt thỏm âu lo giữa đêm đông buốt giá.


Ngõ, qua bao năm tháng, vẫn thế, vẫn là nơi níu giữ một phần linh hồn Hà Nội xưa và ngày ngày viết nên bao câu chuyện trầm lắng trong khúc nhạc đời thường giữa xô bồ phố thị.



Huệ Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN