Năm 2015, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã in, dịch 12.500 cuốn sổ bỏ túi bằng 3 thứ tiếng Việt - J'rai, Việt - Bahnar để cấp phát đến từng buôn làng. Đặc biệt, các điểm "nóng" về tình trạng "ma lai - thuốc thư" đều được cấp phát sổ đến từng người dân. Nội dung của cuốn sổ bỏ túi này có sự phân tích, đánh giá những sự việc đã xảy ra, nhằm khẳng định: "ma lai - thuốc thư" hoàn toàn không có thật trong đời sống cộng đồng, chỉ là chuyện hoang đường theo lời các "thầy mo" phán xét. Cuốn sổ bỏ túi này đã được các già làng, trưởng thôn dùng để tuyên truyền trong những buổi họp làng, những ngày lễ hội...
Xây dựng đời sống văn hóa để xóa bỏ hủ tục. |
Trong những năm gần đây, tình trạng "ma lai - thuốc thư" trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đang có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của cộng đồng. Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 89 vụ "ma lai - thuốc thư" tại 76 buôn làng dân tộc thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, làm chết 12 người; nhiều tài sản bị đập phá và nhiều gia đình phải sơ tán ra khỏi làng đến ở một nơi khác.
Theo quan niệm của dân tộc J'rai và Bahnar, bên cạnh các vị Yàng, thần sông, thần núi, thần lửa... luôn đem lại những điều tốt lành cho đời sống cộng đồng thì vẫn còn những con "ma lai" luôn làm hại đến cuộc sống yên bình của dân làng. "Ma lai" có thể làm ra "thuốc thư", hễ ghét ai thì dùng “thuốc thư” để hại người đó như đau ốm, gặp nạn chết... Cho nên dân làng phải tìm mọi cách để diệt con "ma lai" này ra khỏi cộng đồng. Con "ma lai" thường được phát hiện trong các bữa nhậu hoặc có sự xích mích giữa các gia đình rồi vô tình ai đó buột miệng nói ra những câu như "tao sẽ giết chết cả nhà tụi bây", sau đó có sự trùng hợp ngẫu nhiên là trong làng có người đau ốm hoặc gặp nạn chết thì khẳng định người nói đó chính là con "ma lai".