Giảm nghèo bền vững vùng dân tộc, miền núi là mục tiêu chiến lược, lâu dài. Nhưng những năm qua, các chính sách cho khu vực này lại chủ yếu được xây dựng theo từng giai đoạn. Quá trình rà soát, đánh giá để xây dựng chính sách lại trải qua nhiều công đoạn, thủ tục, do đó khi chính sách được ban hành thì thời gian thực hiện còn lại rất ít.
Mục tiêu không hoàn thành
Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, được thực hiện theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ 134) chỉ rõ: Đến cuối năm 2006 phải cơ bản thực hiện xong. Tuy nhiên, trải qua 2 đợt thống kê, đến tháng 5/2006, các địa phương mới hoàn thành việc điều tra, rà soát đối tượng thụ hưởng. Do vậy, QĐ 134 đã được sửa đổi, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2008. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2008, nhiều chỉ tiêu của chính sách này vẫn không đạt kế hoạch đề ra.
Hỗ trợ sản xuất là một trong những chính sách còn chồng chéo. |
Theo Báo cáo kết quả giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau 5 năm triển khai thực hiện QĐ 134 tại 40 tỉnh, thành trên cả nước, đã hỗ trợ đất ở cho 71.713 hộ, với tổng diện tích 1.552 ha, đạt 82% kế hoạch; hỗ trợ đất sản xuất cho 83.563 hộ (trên tổng số 237.715 hộ có nhu cầu cần hỗ trợ), đạt 35% kế hoạch. Trước nhu cầu bức thiết của đồng bào DTTS về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, Thủ tướng Chính phủ đã phải quyết định kéo dài việc thực hiện chính sách này bằng Quyết định 1592, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc trong khâu rà soát, phê duyệt đối tượng và thiếu vốn.
Tương tự Quyết định 33/2007/QĐ-TTg giai đoạn 2007-2010 và Quyết định 1342/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch định canh định cư (ĐCĐC) cho đồng bào DTTS du canh du cư đến năm 2012 chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, thì cũng đã hết thời hạn chính sách có hiệu lực. Sau 6 năm triển khai 2 quyết định này (2007-2012), mới hỗ trợ được 9.827 hộ với 46.187 khẩu, đạt 33,1% kế hoạch đề ra; vẫn còn 19.819 hộ, với 94.126 khẩu cần được hỗ trợ ĐCĐC. Số vốn Trung ương phân bổ cho các địa phương thực hiện tính đến năm 2012 là 1.253 tỷ đồng, đạt 46,1% so với kế hoạch.
Do quá ít thời gian
Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, những chính sách được triển khai thực hiện ở vùng dân tộc và miền núi là những chính sách lớn, giải quyết cơ bản nhu cầu thiết yếu nhất, bức bách nhất của đồng bào có đời sống khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban hành và thực hiện, việc xác định lộ trình chính sách chưa hợp lý, sự phối kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa chặt chẽ, dẫn tới hiệu quả chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra.
Từ năm 1998 (năm khởi động chương trình giảm nghèo) đến nay, các chính sách cho vùng dân tộc và miền núi đều được xây dựng theo từng giai đoạn, từng nhiệm kỳ cụ thể (đa số chính sách chỉ có thời hạn 5 năm), thiếu tính chiến lược lâu dài. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục xây dựng và trình một số đề án chính sách, trải qua nhiều công đoạn, nên khi chính sách được ban hành thì thời gian thực hiện còn lại rất ngắn.
Một vấn đề nữa là sự cần thiết phải phối kết hợp chặt chẽ, thống nhất cao giữa các bộ, ngành, địa phương, nhằm hướng tới xây dựng chính sách phù hợp nhất đối với vùng dân tộc và miền núi. Tính riêng ở chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, do QĐ 134 và QĐ 1592 hết hiệu lực thực hiện, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng chính sách hỗ trợ những nội dung này để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng hiện nay, các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất ý kiến về nội dung chính sách này và cho rằng, nên lồng ghép từ các chương trình khác như Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá, triển khai chính sách cho vùng dân tộc và miền núi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, thông tin, hiện nay, ở vùng dân tộc và miền núi, nhu cầu về nước sinh hoạt là rất cấp thiết. Hiện vẫn còn 294.230 hộ DTTS thiếu nước sinh hoạt; trong đó nước sinh hoạt phân tán là 134.150 hộ, nước tập trung là 160.080 hộ. Bộ trưởng kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành tập trung nguồn lực đầu tư cho chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS đang có nhu cầu bức thiết về nước sinh hoạt, tránh sự so bì, hạn chế tình trạng di cư tự do vì thiếu nước sinh hoạt, đồng thời tránh tình trạng lãng phí các công trình do địa phương đang đầu tư dang dở. Đồng thời, phải căn cứ vào thực tiễn để quy định mức đầu tư, hỗ trợ và kéo dài thời gian thực hiện và nâng mức hỗ trợ cho phù hợp với thực tế.
Thực tế chứng minh, những chính sách được triển khai những năm qua đã góp phần quan trọng, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng dân tộc và miền núi, đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh. Để phát triển toàn diện, bền vững cho khu vực này, hệ thống chính sách cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới trên nền tảng định hướng chiến lược lâu dài, tập trung nguồn lực đầu tư cho những vùng khó khăn nhất. Bởi một lẽ, hiện vùng dân tộc và miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn; do nhiều yếu tố nên kết quả giảm nghèo vẫn chưa bền vững, tình trạng tái nghèo luôn thường trực.
Bài và ảnh: Trọng Thủy