Lò luyện thi ĐH trước giờ G - Bài cuối: Sĩ tử thờ ơ với lò luyện

Mặc những chiêu quảng cáo vô cùng hấp dẫn của các lò luyện, lượng sĩ tử tại các lò luyện năm nay giảm hẳn so với trước. Điều đó cho thấy, cách tổ chức thi và ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm thay đổi cả cách ôn thi của thí sinh.

 

Lò luyện “chợ chiều”


Một buổi chiều chủ nhật giữa tháng 6, tôi đến trung tâm luyện thi T.H. (một trung tâm luyện thi có tiếng tại khu vực Bách Khoa, Hà Nội) và không khỏi bất ngờ về sự vắng vẻ tại trung tâm này. Nếu như trước đây, vào thời điểm sát kì thi ĐH, trung tâm này luôn tấp nập người ra kẻ vào. Sĩ tử bị nhồi nhét 4 người trên một chiếc ghế chừng gần 1,5 mét. Ngược lại, vào thời điểm phóng viên có mặt, 2/3 phòng học của trung tâm này đóng cửa, chỉ có một phòng học hoạt động.


 

Phòng học có sức chứa hơn 300 học viên nhưng chỉ có hơn 30 “sĩ tử” luyện thi vào chiều 23/6.

 

Tôi vào phòng học này như một thí sinh đi luyện thi. Biển quảng cáo của trung tâm treo ngay trên bục giảng. Phòng học rộng chừng 100 m2 nhưng có đến 5 chiếc điều hoà (như đúng lời quảng cáo trên tờ rơi của trung tâm). Theo cách đánh số trên bàn học (13 hàng ghế, 28 người/hàng), tôi ước tính phòng học này có thể chứa đến 364 người học, chưa kể các hàng ghế phụ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó chỉ có… 37 thí sinh ôn thi.


Buổi học giải hệ phương trình của thầy giáo Q. Một số sĩ tử đều nói không biết thầy giáo này dạy ở trường nào, chỉ biết thầy dạy hay là cứ thế học. Xen kẽ những bài giảng, thầy Q. tranh thủ “PR” về những đề thi “trúng phóc” mà mình đã cho học sinh ôn luyện những năm qua, đồng thời không quên nhắc các em phải đi học đầy đủ vào tuần sau vì thầy sẽ cho ôn những dạng đề thi “tinh hoa”, rất quan trọng. Thỉnh thoảng, một số học sinh mệt mỏi, gục đầu xuống bàn.


Tại một lò luyện khác cũng khá nổi tiếng nằm sâu trong ngõ trên phố Chùa Bộc, Hà Nội, thỉnh thoảng mới thấy một vài học sinh đến hỏi lớp học. Theo một nhân viên, năm nay ít người học hơn hẳn mọi năm do thí sinh tại các tỉnh không còn đổ về Hà Nội ôn luyện nhiều như trước.


T.K., một học sinh tại Hà Nội cho biết, em chỉ đến lò luyện để học những chuyên đề mình còn yếu như hình học phẳng, tích phân, hoá hữu cơ. Những phần còn lại, em tự tin ôn ở nhà. “Các thầy ở trung tâm có phương pháp giảng rất lôi cuốn. Tuy nhiên, nếu học theo lịch học dày đặc của trung tâm thì sẽ không còn thời gian tự học nữa”, K. cho hay.

 

Sĩ tử có thể tự học


Thầy Nguyễn Thượng Võ, giáo viên dạy Toán trường chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết: Học sinh cần có thời gian tự học để củng cố, nắm vững kiến thức. Luyện thi cấp tốc tại các lò luyện có thể tiếp cận nhiều thông tin nhưng dễ bị thụ động theo giáo án của giáo viên, bị tác động bởi môi trường ồn ào, xa lạ và sẽ mất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi tới giờ học, rồi nghe những điều đã biết...

Từ khi áp dụng thi “ba chung”, chủ trương của Bộ GD - ĐT là: Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ ra theo cách kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình trung học. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm, những phần còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề thi quá khó, quá phức tạp…


Cũng theo phương thức thi “ba chung”, không còn cảnh mỗi trường ra một đề riêng “mang bản sắc của trường mình”, khiến thí sinh không biết đâu mà lần và phải đến các lò luyện của trường đó mới có hi vọng đỗ. Với đề thi đại học năm nay, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết, một số câu hỏi sẽ ra theo hướng mở và không bắt thí sinh phải tổng hợp, vận dụng quá nhiều kiến thức cho mỗi câu hỏi. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, các em học sinh cần xác định phần kiến thức nào của mình còn yếu, còn thiếu để tập trung bổ sung, hoàn thiện, tránh ôn tập lan man, học tủ, học lệch, chạy theo các loại sách tham khảo, các lò luyện thi.


Các giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy cũng cho rằng, học sinh không nên quá lệ thuộc vào việc ôn tập tại các lò luyện thi. Theo cô Dương Thị Thanh Trúc, trường THPT Lương Viết Chánh, TP Hồ Chí Minh: “Ở các lớp luyện thi cấp tốc, đa số chỉ dạy học sinh các kỹ năng về cách làm bài thi, những mẹo để giải nhanh đề thi, còn để hệ thống lại kiến thức thì rất khó. Đối với những học sinh đã mất gốc kiến thức thì học lớp này sẽ không hiệu quả. Nhiều năm trở lại đây, đề thi ĐH không quá khó với thí sinh. Học sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa là đủ. Kiến thức phải được đầu tư trong thời gian dài chứ không thể 1 tháng luyện thi cấp tốc mà thay đổi được”.


Bài và ảnh: Hoàng Dương - Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN