Ngày 2/5 (tức 23/3 âm lịch) đã diễn ra chính hội làng Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) và cũng là ngày diễn ra lễ tri ân nguồn cội của thập tam trại (13 trại) phía tây kinh thành Thăng Long xưa. Năm nay cũng tròn 970 năm vua Lý Thái Tông chấp thuận cho dân làng Lệ Mật sang lập trại phía tây kinh thành, gần hồ Tây do vậy lễ dâng Thánh của thập tam trại có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với trên 1.800 người tham dự.
Thập tam trại bao gồm các trại: Ngọc Hà, Đại Yên, Hữu Tiệp, Liễu Giai, Cống Vị, Vĩnh Phúc... (nay là các phường thuộc quận Ba Đình). Dân gian có câu: “Nhớ ngày hai ba tháng ba/Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê/Kinh quán, cựu quán đề huề/Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây”. Hội làng chính là dịp để con cháu trong làng (dân cựu quán) và con cháu đi xa khai hoang bên kinh thành Thăng Long (dân kinh quán) gặp gỡ, tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, người có công lập nên thập tam trại.
Tương truyền, công chúa con vua Lý Thái Tông du thuyền trên sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) không may bị đắm thuyền, chết không tìm thấy xác. Vua Lý ban sắc chỉ, ai tìm thấy xác công chúa sẽ được phong chức và ban thưởng vàng bạc, gấm vóc. Lúc bấy giờ có Nguyễn Quý Công, người làng Lệ Mật đã đánh nhau với thủy quái, đưa xác công chúa lên bờ. Vua phong chức Thái giám nội thị tự khanh và thưởng 100 kg vàng, lụa nhưng Nguyễn Quý Công không nhận vàng bạc, lụa là mà chỉ xin nhà vua vùng đất hoang phía tây kinh thành để dân làng lập trại. Được vua đồng ý, Nguyễn Quý Công đã đưa dân làng Lệ Mật vượt sông Nhị Hà (sông Hồng) sang lập thập tam trại, mở mang nghề trồng rau, hoa, giấy, trồng cây thuốc nam... Sau khi Nguyễn Quý Công mất, dân làng lập đền thờ và suy tôn là thành hoàng làng.
Hiện các trại, hay còn gọi các phường ngày nay vẫn có mối liên hệ mật thiết với nhau, cùng lập nên Ban chấp hành thập tam trại và phân công mỗi năm một làng dẫn đầu đoàn hành hương về làng.
Đinh Thị Thuận