Tuy chưa phổ biến, nhưng do cơ chế thị trường khiến việc tổ chức lễ thượng thọ đang nảy sinh hai xu hướng khác nhau. Những nhà kinh tế vững: Uống ăn rầm rập. Họ nghĩ: Các cụ vất vả một đời vì con, cháu, nay ngoài tuổi “xưa nay hiếm”,”sống ngày”… tổ chức thượng thọ linh đình để các cụ được vui. Rằng vui thì thật là vui, song cũng phiền nhiễu cho bao người. Người được mời thì lo ngay ngáy “phong bao”. Đi ăn cỗ lại không tiền ư? Người bị phớt “ăng lê” không được mời thì phân vân: ”Hay họ giận mình…?”. Bà con xóm giềng muốn đến uống bát nước, ăn miếng trầu cũng đành thôi. Gia chủ lo tổ chức lễ “Thượng thọ” thì họp bàn chán, rồi bổ bán kinh phí, dẫn đến có nhà om sòm cả lên, tỵ nạnh giàu nghèo… sứt mẻ tình thâm, các cụ “Thượng thọ” bị “Hành thọ” nỗi buồn không nguôi…
Kiểu thứ hai gọn nhẹ, tương đối phổ biến ở quê tôi vào dịp Tết xuân về, là lúc con cháu tề tựu khá đông đủ. Mùng 4 Tết, tôi có dịp về dự mừng thọ ông bác ruột. Bác đã nghỉ hưu. Gia đình đuề huề. Cả 6 người con của bác đều tốt nghiệp đại học hiện đang công tác trong các cơ quan nhà nước, song các anh chỉ tổ chức một cái lễ mừng thọ rất long trọng, ý nghĩa và rất văn hóa. Nội dung buổi lễ cũng giống những gia đình khác: Chè xanh sánh vàng, thơm mát, trầu cau, bánh kẹo một ít vừa đủ, vài kiểu ảnh “nghệ sĩ cây nhà”… Mưa lay phay, gió se lạnh, ăn miếng trầu têm cánh phượng má hồng lên sắc hoa đào, càng phơi phới xuân tươi. Bà con hàng xóm đến chúc thọ bác tôi đủ cả.
Thực hiện nếp sống văn hóa “Xóa đói giảm nghèo”, “nâng cao dân trí… nơi làng quê mà tổ chức ăn uống linh đình, hay “Sĩ hão”… con gà tức nhau tiếng gáy, vay mượn làm “Thượng thọ”… quả là khó khăn, phiền hà cho nhiều người. Mặc dù bà con rất trọng tình làng, nghĩa xóm, nhưng khi túi không có tiền có muốn đến ăn miếng trầu mừng các cụ cũng chả dám… Vì thế tình làng, nghĩa xóm cũng bị nhạt phai.
Tổ chức lễ mừng thọ là nét đẹp văn hóa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” hiếu thảo của con cháu nhưng sao cho hài hòa trong cộng đồng khu dân cư với tinh thần gọn nhẹ, tiết kiệm.
Bùi Vũ Liêm