Hằng năm, cứ vào ngày 2/3 âm lịch, cộng đồng dân tộc Tày ở các thôn, bản của huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) lại nô nức tổ chức Lễ Óc Thó, cầu mong những điều tốt đẹp cho dân bản.
Già làng chuẩn bị nghi lễ cúng thần thổ địa. |
Lễ Óc Thó là lễ cúng thần thổ công, thổ địa. Theo quan niệm của đồng bào, trong năm nhất định phải tổ chức nghi lễ trên. Nếu vì lý do nào đó không thực hiện được thì năm đó, cuộc sống dân làng sẽ khó khăn, mùa màng thất bát, con người đau ốm, lợn, gà khó nuôi...
Theo các vị trưởng bản, Lễ Óc Thó có từ rất lâu đời, khi cộng đồng dân tộc Tày về đây sinh sống. Việc tổ chức nghi lễ này trước là để người dân bày tỏ lòng tưởng nhớ, ghi ơn vị thần thổ công, thổ địa đã dẫn dắt dân tộc Tày khai hoang, lập bản, sau là dịp để họ gửi gắm đến thần lời cầu nguyện, ước mong được che chở, bảo vệ khỏi những điều không may mắn.
Để có một nghi lễ cúng trang trọng, đồng bào Tày phải chuẩn bị từ vài hôm trước. Thông qua một buổi họp bàn để thống nhất mỗi nhà sẽ nộp bao nhiêu tiền để mua đồ về cúng và ăn liên hoan (thường là từ 30.000-50.000 đồng/hộ), sau đó trưởng bản sẽ phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong thôn, bản. Mỗi người giữ một nhiệm vụ như: dọn dẹp sạch sẽ miếu thờ thần thổ công - thổ địa, chuẩn bị các đồ thờ cúng, mổ lợn, mổ gà, giúp già làng khi làm lễ… Ai nấy phấn khởi, lo làm tốt công việc của mình với mong muốn thần sẽ vui và phù hộ cho mình và cho buôn làng. Điều đặc biệt là trong nghi lễ chỉ có nam giới mới tham dự. Mỗi gia đình sẽ có một đại diện tham gia, mỗi người tự mang theo một cái bát, một đôi đũa để ăn cơm sau khi cúng xong.
Địa điểm tiến hành Lễ Óc Thó là ở ngôi miếu thờ thần thổ công - thổ địa của làng. Đồ cúng gồm có một con gà trống, hương, thuốc lá, rượu, bia và vàng mã được cắt từ giấy bản(giấy dó). Đồ lễ sau khi được chuẩn bị xong sẽ được đặt lên bàn thổ địa. Sau đó, già làng sẽ thắp hương và rót rượu lần lượt các chén, vừa cúng vừa đọc bài cúng được soạn sẵn. Bài cúng đại ý cầu cho gia đình các thành viên trong gia đình luôn mạnh khỏe và mùa màng không bị thất bát. Sau khi hoàn thành bài cúng, người cúng sẽ bỏ hai cành lá bưởi của năm trước ở hai bên cửa ra vào miếu và cắm hai cành mới vào để ý nói lên rằng năm nay làng đã tổ chức lễ cúng thần thổ địa.
Khi nghi lễ kết thúc cũng là lúc tiệc rượu của những người tham gia nghi lễ bắt đầu. Người Tày quan niệm, việc thưởng thức những thức ăn đã qua cúng lễ và ăn ngay tại miếu là một điều may mắn, đem lại cho gia đình và cộng đồng những điều tốt đẹp, vì đó là những vật phẩm đã được thần linh về chứng giám.
Tin, ảnh: Hoàng Văn Hương