Chính vì vậy, đồng bào Ba Na rất coi trọng những lễ thức liên quan đến việc làm nhà, đặc biệt là nghi lễ mừng nhà mới.
Thông thường, mỗi khi làm xong một ngôi nhà mới hoặc dọn đến nơi ở mới, chủ nhà sẽ làm lễ ăn mừng, gọi là lễ lên nhà mới, để ngôi nhà luôn là nơi che chở, bảo vệ cho các thành viên trong gia đình. Gia đình nào khó khăn thì mổ heo, gà làm lễ nhỏ, nhà có điều kiện hơn thì mổ trâu ăn lễ grong - một nghi lễ long trọng của đồng bào Ba Na.
Để chuẩn bị cho lễ mừng nhà mới, chủ nhà chuẩn bị đầy đủ các lễ vật như gà, thịt heo, rượu cần, ban thờ cúng, cột nêu… Các nghi thức trong lễ cúng mừng nhà mới được tiến hành 3 lần. Đầu tiên, già làng lập một bàn thờ nhỏ đặt ngay trước cổng nhà, dùng để cúng ma, nhằm báo tin cho ông bà tổ tiên biết con cháu đã dựng được nhà mới và mời tổ tiên về chung vui. Bàn thờ được làm bằng cây giang, chẻ làm 4 ở phần ngọn, được gọi là "Chơ đang". Lễ vật gồm hai phần, phần cỗ trên Chơ đang là để cúng Yang, cỗ phía dưới Chơ đang là cúng ma.
Tiếp theo là nghi thức cúng tại sân chung. Đúng giờ thiêng đã chọn, già làng sẽ đốt que sáp trên bàn thờ để mời các thần, những người đã khuất về vui vầy với con cháu. Loại sáp được đốt là sáp đặc biệt, chỉ đồng bào Ba Na mới có và thường được sử dụng trong các lễ cúng. Sáp này do chính tay chủ nhà làm, họ xếp những đoạn dây chỉ màu trắng thành bó xoắn lại với nhau kiểu dây thừng, rồi đốt nóng cho sáp ong chảy ra, xong bôi sáp lên quanh bó chỉ cho đến khi lớp sáp bọc dày hết cả bó chỉ. Trong lễ cúng, già làng sẽ khấn cầu Yang, những người đã khuất... về chung vui với gia chủ, cầu mong ngôi nhà được che chở, mọi người trong gia đình khỏe mạnh, may mắn... Già làng khấn rằng: “Bà con dân làng chúng tôi đã làm xong nhà mới, mời thần núi, thần sông, các thần về uống một chén rượu nghè, ăn một miếng để mừng nhà mới với chúng tôi”. Vừa cúng, già làng vừa lấy lòng gà mời ông bà, tổ tiên, thần linh ăn uống trước.
Lễ cúng tại sân chung cổng làng. |
Bà con nhảy múa mừng nhà mới. |
Cuối cùng là nghi thức khấn ma trong nhà. Sau khi khấn Yang xong, già làng sẽ lấy ngọn sáp đặt xuống phía dưới cỗ cúng ma, một tay giữ cần rượu, tay kia nhúng vào chén huyết rồi lấy ngón tay cái bịt đầu cần rượu lại và lầm rầm đọc khấn. Khấn xong, già làng uống trước, sau đó đến chủ nhà. Trong nghi thức cúng trong nhà, không thể thiếu nghi thức bôi huyết gà hiến tế lên sàn bếp, như sự đảm bảo tránh những rủi ro không may đến cho gia đình gia chủ.
Sau khi hoàn thành các nghi thức chính, gia chủ mở tiệc tiếp đãi khách thay cho lời cảm ơn, mọi người trong buôn làng cùng nhau nhảy múa, chúc mừng cho gia chủ.