Đã 20 năm nay, lão nghệ nhân Bhling Agrun sống với hội diễn, với sân khấu rực rỡ ánh đèn. Phòng Văn hóa huyện Tây Giang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam và ra đến Thủ đô cả cánh phóng viên báo chí đều bảo: Lão là báu vật sống của người Cơ Tu ở Quảng Nam.
Tiếng hú vang qua quả núi
Chính vì thế khi vị trưởng bản Pơloong Nhốp đôn đáo chạy lên rừng tìm lão về, Bhling Agrun hỏi bâng quơ: "Lại đi hội thi, hội diễn à?". Khi gặp chúng tôi, lão thấy bất ngờ, bất ngờ vì có người ở tít dưới Đà Nẵng lên chỉ hỏi chuyện lão về những loại nhạc cụ từ lâu đã vắng tiếng trong đời sống của người Cơ Tu.
Nghệ nhân Bhling Agrun năm nay 52 tuổi. Tóc lão xoăn tít, da đen sạm, bàn tay gân guốc đầy chai, sẹo. Chỉ có tiếng nói của lão vẫn to, giòn và nói tiếng Kinh chuẩn đến từng từ. Trưởng bản Nhốp bảo: "Bhling Agrun là cái loa của làng Tà Vang ta, nếu ai cần gọi người trên rừng, trên nương thì nhờ lão hú một tiếng, khi lão cất giọng hú cách làng 2 - 3 quả núi còn nghe thấy".
Lão nghệ nhân Bhling Agrun đánh đàn Abel . Ông vừa dùng một tay bấm các lỗ, một tay dùng cần kéo như kéo nhị và dùng miệng ngậm dây đàn để điều chỉnh độ căng của dây . |
Sở dĩ lão có giọng hú nổi tiếng trong bản Tà Vang hơn cả tiếng đàn, tiếng sáo là vì lão đã được bố truyền cho cách chơi nhạc cụ của người Cơ Tu từ lúc lên ba. Bố của Bhling Agrun là thầy cúng của bản, mà thầy cúng phải biết thổi sáo, chơi đàn nên tiếng sáo, tiếng đàn cứ ngấm vào người cậu bé Agrun trong những lần theo cha đi làm lễ cho dân bản. Có những bài sáo truyền thống của người Cơ Tu thổi trong dịp đâm trâu mừng lúa mới phải thổi liên tiếp trong 3 ngày, 3 đêm. Và bài sáo này, cả đại ngàn Tây Giang không còn ai biết thổi - trừ lão. Vì thế, lão có cách giữ hơi và lấy hơi rất chuẩn nên tiếng hú cứ ngân dài và rất vang.
Lão lấy bộ nhạc cụ ở trên nóc tủ bám đầy bụi xuống (chắc lâu không sử dụng). Lão bảo: "Các loại nhạc hơi của người Cơ Tu có 13 chiếc, mỗi chiếc có một cách thổi và công dụng khác nhau. Cái này chỉ thổi trong đám cưới, lễ lên nhà mới, Lễ đâm trâu, còn cái kia chỉ thổi trong đám ma, lễ thôi mả....".
Chuyện buồn bên nhà Gươl
Câu chuyện buồn của Bhling Agrun bắt đầu từ cách đây khoảng 20 năm. Ngày trước, trong các lễ hội của buôn làng lão là người quan trọng nhất. Lão thổi sáo, đánh đàn là trung tâm của các cuộc vui dân làng. Nhiều người say tiếng sáo của lão còn hơn say rượu. Thế rồi cuộc sống của người Cơ Tu biến đổi, nhà xây mọc san sát nhau thay cho nhà Gươl, trang phục người Cơ Tu chẳng ai buồn mặc. Rồi tiếng sáo, tiếng đàn của lão không thể mê hoặc bằng tiếng nhạc trẻ xập xình đang ngày đêm phát hết công suất ở mỗi gia đình.
Buồn hơn, những ngày đông vui nhất là Lễ đâm trâu và Lễ mừng lúa mới lão đã mất vai trò. Bây giờ người ta tổ chức lễ hội khác xưa nhiều lắm, người ta dựng sân khấu, rồi cán bộ huyện, tỉnh phát biểu kính thưa, kính gửi... đến phần vui chơi thì họ chỉ cần bố trí một cây đàn oócgan phát nhạc thế rồi tan hội. Lão như cô độc trong cuộc vui của buôn làng mình.
Trường bản Nhốp bảo lão cùng các nhạc cụ của mình đến nhà Gươl duy nhất ở giữa làng Tà Vang để nhà báo chụp ảnh. Lão miễn cưỡng, và đó là lần duy nhất dân bản đến xem lão thổi sáo đánh đàn đông như trẩy hội. Thì ra lũ làng Tà Vang đến xem các nhà báo tác nghiệp và trầm trồ khen cái laptop bé xíu mà có thể chứa nhiều ảnh của Bhling Agrun đến thế. Chỉ hiếu kỳ thế thôi. "Bây giờ tôi có thổi sáo khản cả hơi cũng không có một người nào đến nhà Gươl để nghe đâu", Bhling Agrun buồn rầu khẳng định.
Nhạc cụ Cơ Tu - còn ai sử dụng
Dân làng Tà Vang thấy lão Bhling Agrun này đến lạ. Trong khi cả buôn làng nhà nào cũng có loa đài nghe nhạc. Nhà nghèo nhất thiếu gì thì thiếu chứ không thể không có bộ loa giá chỉ vài trăm nghìn đông phát nhạc trẻ inh ỏi. Duy nhất nhà lão không có loa đài. Với lão, 13 loại nhạc cụ cổ truyền đủ để dùng trong các cung bậc cảm xúc của đời mình. Chúng cũng là những bài học làm người.
Những nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu chỉ còn lưu giữ trong nhà lão nghệ nhân Bhling Agrun. |
Như loại đàn Abel này, mới nhìn thì rất giống đàn nhị của người Kinh, nhưng tính năng của loại đàn này lại hoàn toàn khác. Abel có hai loại: Loại dành cho đàn ông, loại dành cho phụ nữ. Đàn được dùng hát giao duyên, hát nhân ngãi... “Ngày xưa, đám thanh niên nam nữ say sưa học loại đàn này vì để đi tìm tình yêu. Chỉ cần nghe giai điệu nhanh chậm, réo rắt, hay thánh thót là đám thanh niên nam nữ có thể hiểu tính cách của nhau để rồi có sự lựa chọn phù hợp khi chọn bạn tình. Bây giờ đám thanh niên chẳng ai biết chơi nữa, chúng nó tỏ tình nhau bằng cách phát nhạc trẻ từ những chiếc điện thoại Trung Quốc, trăm bài hát như một", Bhling Agrun buồn rầu kể tiếp.
Rồi đến A sàng. A sàng được người Cơ Tu dùng để đuổi heo rừng, chim chóc phá hoại mùa màng. Âm thanh của A sàng phát ra trong những lúc săn bắt được thú rừng, như một lời báo hiệu để cho dân làng biết tin. Đặc biệt, A sàng được già làng sử dụng, báo tin thú dữ, mưa bão hoặc có sự xung đột từ bên ngoài... để dân làng biết. Những người trẻ không nằm trong Hội đồng già làng thì không được dùng A sàng.
Đặc biệt là cây sáo tuốt. "Ngày xưa các bậc cha mẹ ai cũng biết dùng sáo tuốt để dạy dỗ giáo huấn con cái. Khi con cái làm việc sai trái, người cha sẽ thổi những điệu sáo u buồn, khi con cái làm việc tốt, điều hay thì người cha sẽ thổi những điệu sáo vui nhộn. Bây giờ các bậc phụ huynh không ai dùng nữa, và đám con cái cũng không còn đứa nào có thể hiểu được giai điệu của sáo tuốt nữa", Bhling Agrun thắt lòng nói.
Rồi đến đàn Tpreh Alui, khèn gzen, sáo lướt sáo Tơrét, sáo Ahen... lão Bhling Agrun đều thuộc lòng công dụng và cách làm. Trong câu chuyện, lão nhắc nhiều đến từ ngày xưa. Dường như lão và 13 loại nhạc cụ độc đáo của lão chỉ sống trong ngày xưa. Các nhà hoạch định văn hóa và nghiên cứu văn hóa hay nói, nét văn hóa này, truyền thống kia có nguy cơ bị mai một nhưng rõ ràng mức độ cảnh báo không chỉ dừng lại ở mai một mà nó đã cận kề sự mất hẳn và tuyệt chủng.
Cô bé Alăng Nóc cùng làng Ta Vang từ nhỏ hay theo lão Bhling Agrun học đàn, học sáo. Khi Nóc đi học ở trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Huế thì đổi tên là Alăng Thu Nguyệt. Nguyệt về buôn làng tóc nhuộm vàng hoe, những ngón tay nuột nà đã quên dần những khúc đàn đoạn sáo mà lão đã dạy. Đó là đứa học trò duy nhất mà lão đã từng truyền dạy nhưng chưa thành. Còn đàn con của lão, chúng đã xây dựng gia đình và mải mê trong cuộc mưu sinh nên học những điệu đàn, tiếng sáo là thứ quá xa xỉ về thời gian.
Khi chia tay chúng tôi, lão khẩn thiết: "Nếu nhà báo thích, lão tặng bộ nhạc cụ này mang về thành phố". Nhưng tôi biết, nếu tôi mang về thành phố rồi nó cũng chết trên những bức tường khô cứng. Để nó lại với lão, với buôn làng Tà Vang thì ít ra nó vẫn còn sự hiện hữu nét văn hóa mà ngày xưa đã từng là chủ đạo trong đời sống tinh thần của người Cơ Tu ở đại ngàn Tây Giang.
Thông Thiện