Làng tôi cũng như bao làng quê khác ở vùng đồng chiêm trũng, cây đa, giếng nước, sân đình đã trở thành hình ảnh gắn bó thân thuộc với bao thế hệ người dân làng tôi. Dẫu có đi xa khắp bốn phương trời, nhưng những người con của làng vẫn ấp ủ một nỗi nhớ quê hương da diết, đầy ắp những ký ức tuổi thơ.
Xưa làng tôi nghèo lắm, nghèo đến thắt ruột, thắt lòng. Mùa nắng hạ, cháy xém cả cánh đồng, tháng Tám mùa nước lớn, làng như một ốc đảo. Ngày đêm nước vỗ ì oạp quanh làng. Bữa cơm thường ngày chỉ toàn khoai với sắn. May mắn hơn làng bên là làng tôi có nghề đan truyền thống, sản phẩm là: thúng, xảo, rổ, rá… được tỏa đi từ chợ quê lên thành phố. Vì thế mà người dân trong làng đã qua được cái đói lúc giáp hạt. Tết đến, lũ trẻ chúng tôi thì mừng vui hớn hở, nhưng người lớn thì lo cho cái Tết nghèo cũng... “toát mồ hôi”.
Chỉ đến khi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, như một luồng gió mới thổi về làng tôi. Cuộc cách mạng xanh từ trong lòng đất bằng việc khai mương đắp đập, mở đường, xây cống dựng cầu, bằng việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, con nuôi… đã làm thay đổi diện mạo làng quê. Hạt lúa vàng trĩu cong đòn gánh, mang ấm no hạnh phúc đến từng nhà. Làng tôi thay da, đổi thịt từng ngày. Sinh ra từ quê nghèo lam lũ, bao thế hệ người con của làng được tôi luyện trưởng thành. Dưới mái tranh nghèo, thắp ngọn đèn dầu mà không ít người con đã nuôi chí học hành thành đạt. Có người đã trở thành cử nhân, thạc sỹ, giám đốc doanh nghiệp, tướng tá trong quân đội… Hàng chục người con yêu dấu của làng đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc. Có người đã để lại một phần xương máu nơi chiến trường ác liệt, nay trở về lại cùng chung tay góp sức với dân làng xây dựng quê hương.
Trong nền kinh tế thị trường, cánh trẻ của làng đã nhanh nhạy nắm bắt năng động trong phát triển kinh tế. Kinh tế đa ngành nghề đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của các hộ. Khi đời sống vật chất nâng cao, người dân lại chăm lo đến đời sống tinh thần lành mạnh, giữ gìn những thuần phong mỹ tục, nét đẹp truyền thống của quê hương. Cấp ủy, chính quyền thôn đề xướng, 100% hộ trong thôn đồng tình đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi. Nhiều người con của làng đi làm ăn xa, song vẫn hướng về quê hương bằng việc thành tâm đóng góp cùng dân làng làm cho bộ mặt làng quê ngày thêm đổi mới, bừng thắm sắc hoa.
Cuộc sống thường ngày của người dân làng tôi cũng bình dị như hạt lúa, củ khoai. Cái triết lý muôn đời của làng là: Nghèo tiền nghèo bạc, chứ đừng nghèo nhân, nghèo nghĩa, chính vì thế mà cộng đồng cả trăm gia đình luôn đùm bọc yêu thương nhau trong tình làng, nghĩa xóm. Dẫu bữa cơm thường ngày vẫn còn đạm bạc, song tình đất, tình người vẫn son sắt thủy chung. Một người nằm xuống, cả làng xắn tay lo toan chia sẻ, gia đình nào có hoạn nạn khó khăn, mọi người cùng động viên giúp đỡ. Có lưng cơm hay bát canh cua đồng cũng lách giậu biếu nhau. Xưa đói nghèo đã thế, nay cuộc sống khá giả hơn, nhưng người dân làng tôi vẫn giữ được cái mộc mạc chân chất của tình quê như thế!.
Làng tôi - một miền ký ức thấm đẫm những giọt mồ hôi một nắng hai sương của những người nông dân cần mẫn hay lam hay làm. Đất nghèo xưa nay đang khát vọng vươn lên trong công cuộc đổi mới. Chiều bình yên, sau lũy tre làng, thong thả tiếng chuông chùa ngân xa, như lời cầu chúc cho một vụ lúa mới mưa thuận, gió hòa.
Dung Hội