Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô cậu học sinh, sinh viên cầm chiếc điện thoại, laptop nhắn tin hay lướt web cực nhanh. Những áo trắng học trò cầm bức tem thư viết tay đến bưu điện hay bỏ vào thùng thư như đã rơi vào dĩ vãng…
Tôi nhớ những ngày còn học phổ thông, liên lạc với gia đình, bạn bè chủ yếu là qua điện thoại công cộng hay qua những bức thư viết tay đầy nắn nót. Điều đầu tiên lớp phó làm khi đến lớp là kiểm tra hòm thư xem những ai có thư. Thư về đến lớp, ai cũng hồi hộp, nhao nhao tranh phần để xem mình có nhận được thư hay không. Nhiều khi đọc lên những câu tỏ tình rất trong sáng mà ấm áp, không khí lớp học rất sôi nổi và thân tình…
Nhưng rồi lên đại học, xuống đến Thủ đô Hà Nội, tôi bắt nhịp với cuộc sống hiện đại nơi đây nhanh chóng. Những cánh thư cứ thế vơi dần. Mọi liên lạc rồi cũng chỉ qua những cuộc điện thoại, những email hỏi han hay những cuộc trò chuyện online trên mạng, những bức thư và hòm thư vàng cùng bác bưu tá trở thành những kí ức xa xôi…
Nhiều bạn trẻ bây giờ hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của những hòm thư sơn vàng nằm lẻ tẻ khắp nơi trong thành phố. Hỏi cô em họ lớp 12 về những hòm thư vàng góc phố, cô nhìn tôi bỡ ngỡ “Từ bé đến giờ chưa bao giờ em viết thư tay cũng không bao giờ để ý đến những hòm thư màu vàng nào. Cũng chưa bao giờ em nhận được một bức thư viết tay gửi qua bưu điện”. Những người bạn của cô đều như vậy…
Một người thuộc thế hệ 5x, trong câu chuyện hoài cổ kể: “Viết xong thư tôi cẩn thận dán tem rồi đạp xe ra bưu điện trung tâm thành phố, nâng niu bỏ vào thùng. Thời ấy thùng thư bao giờ cũng đầy, bỏ thư vào thùng rồi mà vẫn không yên tâm, chỉ sợ thư mình bị rơi ra mất. Có những hôm phải dùng cây đẩy cho thư rơi xuống nghe cái bịch rồi mới yên tâm ra về”.
Nói rồi ông chép miệng: “Con cháu tôi bây giờ có đứa nào viết thư đâu. Chính tôi gần chục năm nay cũng chẳng bao giờ gửi một bức thư, viết cho ai, gửi cho ai? Bạn già thì nhiều người “đi” mất rồi”.
Người gửi thư ít, những hòm thư vàng cũng dần dần vắng bóng trong thành phố. Có những điểm bưu điện hoàn toàn “thất thu” trên mặt trận tem.
Tôi lại nhớ câu chuyện của một người bạn du học ở Anh, cậu ta kể rằng khi sang bên đó, cậu rất bất ngờ khi thấy những giáo sư ở trường cậu ta theo học có thể bỏ ra thời gian để ngồi viết từng bức thư tay cho bạn bè hoặc sinh viên của mình. Cũng từ đó, cậu học cách viết ra giấy những gì cần thiết, thỉnh thoảng lại viết thư về cho gia đình, cậu ta chia sẻ:“Nhận được bức thư với nét chữ của bố mẹ và cả em gái nữa thấy ấm áp lắm, những khi buồn lại lôi thư ra đọc để có thêm sức mạnh”.
Thu Trang