Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, những năm qua huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) có nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác xóa đói, giảm nghèo được triển khai thực hiện, trong đó có mô hình phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Sùng Mí Nô, ở bản Pả Vi Thượng, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là một trong những hộ gia đình thoát nghèo nhanh từ phong trào cán bộ, đảng viên “đỡ đầu” gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế. Bên căn nhà mới xây khang trang, anh Nô cho biết, mấy năm trước gia đình anh nghèo lắm, ruộng nương trồng ngô không đủ ăn.
Nay gia đình anh đã làm được nhà mới, phát triển được đàn lợn, trâu và cả bò nữa, kinh tế gia đình khá hơn trước rất nhiều. “Được chính quyền địa phương giới thiệu cán bộ xuống tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của gia đình, rồi giúp đỡ về kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn gia đình vay vốn để phát triển kinh tế. Gia đình không những thoát nghèo mà còn đang từng bước vươn lên làm giàu, anh Nô chia sẻ.
Sau khi nhận “đỡ đầu” cho 5 hộ thoát nghèo, anh Vàng Mí Trạ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc tiếp tục nhận nhiệm vụ đỡ đầu cho gia đình anh Sùng Mí Chơ ở thôn Há Súng, xã Pả Vi. Anh Trạ cho biết, khi nhận “đỡ đầu” cho hộ nghèo, việc trước tiên là phải tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình mình giúp đỡ, xem họ cần gì và có gì.
“Sau khi tìm hiểu về gia đình nhà anh Chơ, tôi đã hướng dẫn gia đình vay vốn và chuyển đổi sang nuôi bò thịt. Nuôi bò thịt thì chỉ 6 tháng là được bán. Gia đình cũng vừa được bán một con bò, hiện tại còn 2 con bò. Tới đây tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 2 con lợn giống nữa, phấn đấu làm sao để họ thoát nghèo trong năm 2019”, anh Vàng Mí Trạ cho biết.
Anh Sùng Mí Chơ cho biết, Phó Bí thư xã Pả Vi Vàng Mí Trạ không những giúp con giống lợn và chim bồ câu mà còn hướng dẫn gia đình mình vay vốn để chăn nuôi bò, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Cuộc sống hiện tại của gia đình anh đã khá hơn rất nhiều so với đầu năm 2018.
“Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của cán bộ địa phương, gia đình tôi đã bớt khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi sẽ cố gắng làm theo cán bộ để sớm thoát nghèo. Được cán bộ thường xuyên đến thăm, gia đình rất là vui, tình cảm giữa cán bộ và gia đình ngày càng gần gũi”, anh Chơ chia sẻ.
Để cán bộ, đảng viên có thể hỗ trợ lâu dài, cũng như để bà con nghe theo và làm theo, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải là những tấm gương làm kinh tế giỏi. Anh Vàng Mí Trạ là một trong những gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình.
Với mô hình nuôi bò thịt, lợn nái sinh sản và chim bồ câu, anh Trạ không những tăng thu nhập cho gia đình mà còn là nguồn cung cấp con giống có giá trị để hỗ trợ cho những hộ mà anh nhận “đỡ đầu”.
Bà Vương Thị Thủy - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mèo Vạc cho biết, từ năm 2015 đến hết quý I/2019, huyện đã tổ chức triển khai cho trên 3.000 lượt cán bộ, đảng viên tham gia phụ trách, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Ngoài việc tuyên truyền về các chính sách của Đảng và Nhà nước, các cán bộ, đảng viên được giao nhiệm vụ còn phải giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo, phát triển kinh tế vươn lên làm giàu. "Chúng tôi thấy đây là phong trào thiết thực và đạt hiệu quả. Huyện đang tiến hành tổng kết và rút kinh nghiệm, những nội dung triển khai mà phù hợp thì tiếp tục phát huy, những gì còn bất cập sẽ được điều chỉnh để làm tốt hơn trong thời gian tới”, bà Thủy chia sẻ.
Mô hình phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế được xem là cách làm hay, có thể nhân rộng ở các địa phương trong cả nước, khơi dậy tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, đưa công tác xóa đói giảm nghèo thiết thực hơn, đi vào chiều sâu bền vững. Hơn thế nữa, qua đây còn giúp tăng cường hơn sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân.