Tính đến ngày 31/12/2013, toàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có 14.630 hộ, trong đó 6.661 hộ nghèo, chiếm 45,53%. Huyện được tỉnh Hà Giang giao nhiệm vụ trong năm 2014 phải xóa được 998 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 39,49%. Vậy làm cách nào để xóa được số hộ nghèo trên? Giải pháp triển khai thực hiện ra sao?
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc làm việc cụ thể với xã Niêm Tòng về xóa đói giảm nghèo. |
Trong phiên họp tháng 1/2014, Ban thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc đã chỉ đạo UBND huyện tham mưu thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch giúp hộ thoát nghèo năm 2014. Với phương châm phát huy trí tuệ tập thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giúp hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững, thoát nghèo thật, tuyệt đối không chạy theo báo cáo thành tích. Giúp các hộ nghèo lập nghiệp, vươn lên thoát nghèo bằng chính khả năng lao động của họ.
Nhiệm vụ cụ thể được phân công theo từng lộ trình: Từ tháng 3 đến tháng 4/2014: Các đơn vị, tổ chức, cá nhân xuống cơ sở tiếp cận hộ nghèo, giúp hộ nghèo xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh và triển khai thực hiện các nội dung, biện pháp giúp đỡ. Tháng 6/2014, rà soát, đánh giá hiệu quả giúp đỡ hộ nghèo; tháng 10/2014, các cơ quan, đơn vị phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành điều tra, phân loại hộ nghèo; giám sát, đánh giá kết quả giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo. Đến tháng 12/2014 sẽ tổ chức tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trong các năm tiếp theo.
Trong kế hoạch này cũng phân công cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn; nhiệm vụ của gia đình, của dòng họ và giao chỉ tiêu cho các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; cấp ủy, chính quyền xã, các đơn vị trường học đều phải tham gia giúp đỡ ít nhất 1 hộ nghèo trở lên để thoát nghèo.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Thào Mí Sính - Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc cho biết: “Kế hoạch giúp đỡ các hộ thoát nghèo đã được huyện triển khai trong nhiều năm qua nhưng hiệu quả chưa cao, còn mang nặng thành tích. Trước đây, huyện có giao cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải hỗ trợ mỗi hộ nghèo 1 con dê hay 1 con lợn để nuôi nhưng vẫn chưa thoát nghèo thực sự. Lần này, huyện yêu cầu phải đổi mới cách nghĩ, cách làm. Trước tiên phải rà soát, phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo là do: thiếu đất canh tác, thiếu vốn sản xuất, thiếu công cụ hỗ trợ sản xuất, thiếu sức lao động, không có việc làm, ảnh hưởng thiên tai hay bị ốm đau, mắc tệ nạn xã hội,… để đề ra giải pháp lựa chọn hình thức giúp đỡ phù hợp về kỹ thuật canh tác, lựa chọn con giống, hỗ trợ phân bón,… chứ không nhất thiết cứ phải hỗ trợ bằng gia súc”.
Đồng chí Thào Mí Sính - Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc trao đổi với gia đình anh Sùng Mí Mua về tìm giải pháp vươn lên thoát nghèo. |
Từ cách bàn giải pháp của huyện, việc triển khai của Ban thường vụ Huyện ủy Mèo Vạc lại càng cụ thể hóa chi tiết hơn. Chủ trì làm việc với xã chính là đồng chí thành viên Ban thường vụ Huyện ủy cùng lãnh đạo, các cơ quan, đơn vị được phân công phụ trách xã. Trong đó, xã đã lập danh sách các hộ nghèo được khảo sát cụ thể, chính xác và có kế hoạch phân công từng cán bộ xã, lãnh đạo trường học, lãnh đạo Trạm y tế xã, bí thư chi bộ và trưởng thôn hướng dẫn giúp đỡ từng hộ nghèo. Sau đó, lấy ý kiến tham gia đóng góp về việc rà soát hộ nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo đã đúng chưa? Cách phân công đã hợp lý chưa? Từ đó bàn đến giải pháp hỗ trợ cho các hộ nghèo được phân công phụ trách theo phương thức nào, đều diễn ra dân chủ, khách quan và biểu quyết bằng sự quyết tâm cao.
Cũng theo nhận định của đồng chí Thào Mí Sính - Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc thì điểm mới của kế hoạch giúp hộ thoát nghèo năm nay được triển khai thực hiện cụ thể hơn từ khâu rà soát, điều tra đúng đối tượng hộ nghèo, phân công người hỗ trợ đến kiểm tra, giám sát thường xuyên của huyện, của xã, của bí thư chi bộ và trưởng thôn. Và đưa nội dung giúp đỡ hộ nghèo vào chương trình kiểm điểm đánh giá mức độ hoàn thành của tổ chức, cán bộ, đảng viên cuối năm. Vì vậy, ai cũng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu cố gắng nhiều hơn. Còn đối với các hộ nghèo được nhận giúp đỡ phải có sự cam kết, tự giác, cần cù, chịu khó, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phải thực hành tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày để có tích lũy cho gia đình, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.
Bên cạnh việc phân công từng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo thì huyện Mèo Vạc cũng chủ động lồng ghép các chương trình dự án như: Chương trình 167, chương trình 30a và các nguồn xã hội hóa,… Hoặc phối hợp với các ủy, chính quyền các xã hướng dẫn các hộ nghèo tiếp cận vay các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội để tham gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy nghề và giải quyết việc làm cho 1.300 người lao động, trong đó làm việc tại huyện 1.185 người, xuất khẩu lao động và làm việc tại tỉnh bạn cho 115 người, nhằm phấn đấu từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tình trạng công dân đi lao động tự do tại Trung Quốc.
Có thể nói, công cuộc xóa đói giảm nghèo còn nhiều gian nan nhưng hy vọng với sự quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, công tác xóa đói giảm nghèo năm 2014 của huyện Mèo Vạc sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra và trở thành mô hình tiêu biểu trong sự nghiệp phát triển KT-XH trên vùng cao nguyên đá.
Bài và ảnh: Quỳnh Lưu