Làm cộng tác viên của Tin tức

Đầu quý II năm 1983 tôi từ Ai Cập và Xyri trở về tổng xã sau 5 năm thường trú tại Cairô và Đamát. Sau một thời gian nghỉ ngơi ở nhà, đầu tháng 5 tôi đến cơ quan gặp anh Đặng Văn San,Trưởng ban tổ chức cơ quan. Anh San bảo tôi, đại ý: Anh Đào Tùng muốn điều tôi sang Hội nhà báo Việt Nam làm thư ký phụ trách đối ngoại cho Hội vì lúc đó anh Đào Tùng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký của Hội nhà báo. Sau khi nghe anh San nói vậy tôi xin không chuyển đi đâu hết mà ở lại TTXVN.

Báo Tin tức ngày càng thu hút được nhiều cộng tác viên, đọc và viết cho báo. Ảnh: Lê Phú


Một tuần sau anh San lại gọi tôi lên gặp và lần này anh San nói đại ý rằng anh Đào Tùng vẫn muốn tôi sang bên Hội nhà báo vì tôi có cả hai ngoại ngữ Anh và Pháp văn rất tiện cho công tác đối ngoại của hội. Nhưng nếu tôi không chịu sang hội thì sẽ điều động xuống làm báo Tuần Tin tức. Tôi băn khoăn hỏi lại anh San rằng nếu tôi xin trở về Ban Thế giới thì có được không. Anh San nói: “Việc muốn điều động cậu là để mở rộng đường cho cậu hoạt động, còn nếu muốn trở về đơn vị cũ thì không phải bàn nữa”. Tôi hứa với anh San và anh Đào Tùng rằng về đơn vị cũ nhưng tôi sẽ tích cực cộng tác với Tuần Tin tức. Cuối cùng tôi về phụ trách phòng Tài liệu tham khảo đặc biệt, Ban Thế giới.


Về làm việc ở Phòng tài liệu tham khảo đặc biệt ít lâu, tôi nhận được một tài liệu viết về vụ án Nguyên soái Lâm Bưu, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, người được coi là nhân vật số hai của Ban lãnh đạo Trung Quốc, sẽ thay thế Mao Trạch Đông sau này. Tài liệu phân tích kỹ tại sao Lâm Bưu bị chết. Tôi gặp anh Đức Giáp phụ trách phần Tin tức thế giới của Tuần Tin tức bàn chuyện đăng làm nhiều kỳ vụ án Lâm Bưu trên Tuần Tin tức. Anh Đức Giáp bảo tôi: ”Ừ vụ đó hấp dẫn lắm đấy. Báo mình giờ đang còn ít độc giả nên có thêm chuyện đăng dài kỳ thì tốt, độc giả sẽ theo dõi hết số này đến số tiếp theo. Ông làm cho tôi dăm số được không?” Tôi về soạn lại thành 5 bài nối tiếp nhau, mỗi bài chừng 1.500-1.700 từ với những đầu đề nhỏ hấp dẫn rồi chuyển anh Đức Giáp. Chuyện vụ án Lâm Bưu được đăng từ số thứ 5 trở đi quả thực đã làm tăng số phát hành của tờ báo.


Sau này khi có những vấn đề quốc tế nổi bật, tôi lại tiếp tục cộng tác với Tuần Tin tức. Giữa tháng 9/1991, tôi về nước sau nhiệm kỳ thứ 2 ở Trung Đông, anh Đỗ Phượng gọi tôi lên bảo: ”Giờ có hai việc cho cậu chọn: một là về làm Trưởng Ban biên tập đối ngoại, hai là làm Tổng Biên Tập báo Khoa học kỹ thuật –Kinh tế thế giới”. Tôi ngại lên Ban đối ngoại vì không nắm được tình hình anh em ở đó như thế nào nên xin nhận làm Tổng Biên Tập báo Khoa học kỹ thuật - Kinh tế thế giới. Nhưng anh Đỗ Phượng lại muốn tôi lên phụ trách Ban biên tập đối ngoại nên cứ khuyên tôi về đó. Tôi nói với anh Đỗ Phượng: “Xin anh cho tôi khất để nghiên cứu tình hình Ban biên tập đối ngoại một năm nữa tôi xin trả lời anh”. Đúng một năm sau anh Đỗ Phượng ký quyết định cử tôi làm Trưởng ban biên tập tin đối ngoại kiêm Tổng biên tập báo Khoa học Kỹ thuật - Kinh tế thế giới đồng thời làm Tổng phụ trách các bản tin kinh tế tài chính - giá cả của cơ quan.


Hồi đó sinh hoạt đảng của ba tòa soạn nhập làm một, tôi được bầu làm bí thư chi bộ ba tòa soạn. Do đó, có nhiều điều kiện thuận lợi tham gia viết bài cho Tuần Tin tức. Sau các chuyến đi công tác nước ngoài, trở về tôi đều ưu tiên viết bài cho Tuần Tin tức, sau đó mới viết cho Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân…


Cuối năm 1994, trong chuyến công tác 3 tháng ở Mỹ, tôi đã viết hàng chục bài cho Tuần Tin Tức, trong đó có những bài phân tích, tường thuật về cuộc bầu cử ở Mỹ tháng 11/1994, những bài về xã hội Mỹ. Ngoài ra còn một số bài ghi chép viết cho Tuần Tin tức như “Nước Mỹ Mùa lá đỏ”, “Tháng 9 ở Mỹ”,”Nước Mỹ Mùa Giáng sinh lạnh giá”, “Thăm kho vàng ở tầng 7 dưới lòng đất”… Đó là những bài báo hấp dẫn viết về nước Mỹ trong hoàn cảnh rất hiếm nhà báo Việt Nam được đến thăm nước này do ta và Mỹ chưa có quan hệ ngoại giao bình thường.


Rồi các chuyến tháp tùng đoàn Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh các tin tức hoạt dộng của đoàn ra là những bài viết về đất nước con người nơi đoàn đến thăm. Những chuyến đi dự các hội nghị quốc tế và khu vực, các cuộc hội thảo quốc tế như Hội nghị cấp cao Không liên kết ở Inđônêxia, Chuyến thăm đảo Bali của Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công, Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương ở Malaixia, Hội nghị thường niên của OANA ở Iran… khi trở về tôi đều có bài cho Tuần Tin tức với mong muốn để bạn đọc hiểu thêm các vấn đề của thế giới và khu vực.


Năm 2000, tôi thường trú tại EU ở Brúcxen, mùa hè năm đó tôi đã đi về liên tục giữa Bỉ và Hà lan để đưa tin, viết bài về EURO-2000 cho Tuần Tin tức và Thể thao Văn hóa. Cũng thời gian đó tôi được hãng dầu khí BP của Anh mời sang dự hội thảo và đi thăm giàn khoan của họ ở biển Bắc gần lãnh hải Na Uy. Tôi đã viết bài cho Tuần Tin tức về giàn khoan này và sinh hoạt ở vùng cực bắc nước Anh. Sau đó một hai năm, BP cũng lắp giàn khoan tương tự như vậy ở Nam Côn Sơn theo thỏa thuận hợp tác giữa ta và BP.


Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn cộng tác với Tin tức trong những dịp kỷ niệm, khi thì viết theo yêu cầu của Tổng Biên tập báo, khi thì viết do sự thôi thúc của nghề như dịp kỷ niệm 40 năm ký kết Hiệp định Pari, dịp 40 năm Điện Biên Phủ trên không. Có thể nói, tuy không phải là người của báo, nhưng trong suốt 30 năm qua tôi vẫn là cộng tác viên thường xuyên và đáng tin cậy của Tin tức. Và hàng ngày tôi vẫn là độc giả thường xuyên và trung thành của Tin tức.


Ngày nay tờ báo được cải tiến liên tục, số phóng viên, biên tập viên trẻ trung và năng động đã làm cho tờ báo ngày một hay, đẹp, nhanh với những chuyên mục mới hấp dẫn hơn. Tôi vẫn dõi theo những bước tiến của Tin tức và sẽ vẫn là một cộng tác viên tự nguyện của Tin tức.


Mới đấy mà đã 30 năm. Tin tức đang ở tuổi “đang xoan”, tuổi trẻ trung và hấp dẫn. Người cộng tác viên “già” này mong sao Tin tức sẽ trở thành một tờ báo mà ai đọc cũng thấy mình có phần ở trong đó, không đọc Tin tức mỗi ngày thì nhớ không chịu được.


Nguyễn Như Kim

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN