Tuổi thơ tôi đi liền với cỏ cây, hoa lá cùng những khoảng vườn. Trong ấy đáng nhớ là vào những mùa mít chín.
Dưới chân ngọn núi Chóp Chài, làng Liên Trì, trong xóm Hóc cạnh doi đá Cổ Rùa có vườn mít do cụ cố ngày xưa trồng. Năm tháng qua đi, chiến tranh tàn phá, thời tiết thay đổi, chỉ duy nhất còn lại cây mít trước sân nhà nội Sáu đã trở thành cổ thụ. Mùa hoa vào cữ tháng Giêng, đài hoa rụng trắng để vào tháng Tư sang hè hương mít chín đã tỏa lan khắp vườn. Mỗi lần về, cả bọn nhóc đều tót lên các chạng cây để nô đùa vì thân cây đến cả ba vòng tay ôm trọn. Mỗi lần được bà nội Sáu đem sào tre ra chọc tìm trái chín là buổi ấy cả bọn sướng tê người vì được ăn trái chín. Quả mít bổ ra, dày cơm vàng, tứa mật thơm lựng, và ngay trên thềm sân cả bọn chen nhau xuýt xoa thọc tay vào moi từng múi mít mặc mũi dãi lòng thòng, lấm lem đất cát.
Bình đã lớn, đi học xa rồi có vợ con trong phố. Ân đi làm xa rồi lập nghiệp nơi vùng đất khác, Lộc cũng đi chỉ còn Hậu, Lực ở lại với mảnh vườn quê, doi đất vồng. Cả những đứa con gái cũng theo chồng về xứ khác. Đó là những đứa em trong một gia tộc.Thời gian vẫn trôi, khoảng nhớ ít khi dừng lại mà hoài niệm, mà nhớ những khi hè về cả bọn rủ nhau tề tựu dưới gốc cây mít già để bày các trò chơi. Tôi từng theo cả bọn lên rẫy để tìm những trái thị chín, len lỏi qua từng bụi dây gai để tìm những chùm dủ dẻ vàng, chùm chim chim đỏ mọng hay tha thẩn với Bình lên đất vồng vào mùa sắn nước, nhổ từng củ trắng ngần vục rửa nơi con suối nhỏ sau nhà mà nhai giòn rụm, mà ngắm mây trời trôi lang thang trên đỉnh núi Chóp Chài. Cũng như giờ đây, trên mảnh đất vồng ngày cũ đã có những hàng mít trưởng thành khi mọi người lấy hột từ cây mít già năm xưa ươm giống, nó không như chúng tôi, khi trưởng thành đã vội quay lưng đi về miền khác.
Cây mít già thì vẫn còn đó dù thân sần sùi, bọng to bọng nhỏ, dù cành nhánh có mục đi gãy rời. Nó vẫn tỏa bóng mát qua bao tháng năm cùng những cơn bão đổ về hóc núi. Vào mỗi một tháng Tư, mùa mít chín, trong phố thị xa quê tôi vẫn nhận được lời nhắn của nội Sáu là hãy về. Đôi khi, lại nhận được món quà từ trong chiếc giỏ tre lót cành lá chuối là một góc mít vàng ươm, tươm mật của đứa em đạp xe chở vào. Nhưng cuối tháng Tư năm nay, vào sáng đầu tuần, mẹ gọi điện thoại bảo nội Sáu đã mãi mãi không còn. Tôi day dứt vì nghe tin bà yếu nhưng bận việc, lại đi công tác xa không về bên bà. Khi về, cây mít lão đầu sân đang kết trái trĩu cành và những vành khăn tang cũng đang kết trên đầu những đứa em một thời đu bám trên cành nhánh để nô đùa, chen vai nhau khi bà mang sào tre ra chọc trái chín.
Bà đã về nằm lại đất vồng như ông tôi, chú tôi, anh tôi dưới hàng mít mùa này trĩu quả cùng mây trắng trôi bồng bềnh trên đỉnh Chóp Chài lộng gió, nơi bà sinh ra, ở lại và ra đi mãi mãi. Hay mảnh đất mà ông tôi, chú tôi, anh tôi một thời dấu yêu cho dù có nhiều đạn bom, bão lũ vẫn ước nguyện trở về. Tôi sẽ không bao giờ được thấy bà vào mỗi một ngày đầu năm, ngồi trước hiên nhà dưới tàn cây mít lão mà chờ tôi cùng vợ con trở về đi dọc theo luống hoa vạn thọ để đến bên bà, cũng sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh mắt chứa nhiều u uẩn nhớ một đứa con xa nơi miền đất Bắc chưa lần nào về đúng tháng Tư độ mùa mít chín. Và giờ, tôi vĩnh viễn mất đi mỗi một tháng Tư có một người bà cùng hương mít chín. Cho dù tôi có đi đâu về đâu, có ăn bao nhiêu quả mít vào mùa ở vùng khác hay cả ngồi bên gốc cây mít già sần sùi bọng to, bọng nhỏ kia vẫn không thể tìm lại hương thơm ngày cũ, cho dù cây mít già sẽ còn và cả những hàng mít non đang trưởng thành ngày một đơm hoa, kết trái.
Tôi ngồi nơi góc phố nhỏ vào sáng tinh sương bên ly cà phê đen thong thả rơi từng giọt, từng giọt như đếm nhịp thời gian đi qua.Trong không gian k hóa ng đạt ấy, một người đàn ông chở cả sọt mít trên chiếc xe đạp để vào chợ sớm và tôi chợt nhớ về mùa này, nơi vùng đất cũ dưới chân núi Chóp Chài lại một mùa mít chín của tháng Tư. Bây giờ tuổi thơ đã qua đi, hình ảnh cũ vẫn còn nhưng thời gian và người thân trong ấy có bà nội Sáu thì như áng mây trôi qua đỉnh núi. Sẽ không còn ai ngóng đợi tôi về để nhắc lại bao chuyện cũ một thời.
Tùy bút của Huỳnh Thạch Thảo