“Lạc quan thận trọng” về kinh tế thế giới

“Lạc quan thận trọng” là không khí chung còn đọng lại sau khi Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) kết thúc ngày 25/1 tại Davos, Thụy Sĩ. Nhìn chung, các đại biểu đều nhất trí rằng kinh tế thế giới đã qua giai đoạn khó khăn nhưng cũng không quên cảnh báo nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn.

Diễn đàn WEF ở Davos năm 2014 nổi bật với diễn văn kêu gọi đầu tư của Tổng thống Iran và sự hiện diện của lãnh đạo Brazil. So với những lần trước, số lượng doanh nhân đến dự Diễn đàn tại Thụy Sĩ cao gấp đôi và nhiều người hy vọng tình hình kinh tế thế giới sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới.

 

Một phiên họp ngày 22/1 trong khuôn khổ Diễn đàn Davos.

Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda, nền kinh tế đầu tàu Mỹ sẽ còn tăng tốc so với tốc độ tăng trưởng 3% hiện nay, trong khi kinh tế châu Âu "cuối cùng cũng đã hồi phục". Các nước có nền kinh tế đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia… cũng sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hoặc thậm chí tăng tốc.


Khủng hoảng tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) không còn là trọng tâm lo ngại trong chương trình nghị sự kinh tế thế giới. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đặc biệt ghi nhận thành tích của các nước phải nhận chương trình cứu trợ tài chính quốc tế. Các nước như Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp đã và sắp không phải dựa vào chương trình cứu trợ này.

Phát biểu trong phiên họp "Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á" trong khuôn khổ Diễn đàn Davos, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vai trò hạt nhân của ASEAN, cho rằng sự phát triển năng động của các nền kinh tế ASEAN là một trong những nhân tố giúp khu vực Đông Á duy trì tăng trưởng kinh tế khả quan. ASEAN cũng đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực thông qua tiến trình xây dựng Cộng đồng vào năm 2015 và triển khai các thỏa thuận, khuôn khổ hợp tác kinh tế với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng ASEAN phải tiếp tục là lực lượng chủ đạo trong ứng phó với các thách thức đặt ra, kể cả những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có vấn đề Biển Đông. Tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không chỉ tác động trực tiếp tới các nước có liên quan mà còn có ảnh hưởng tới bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không của khu vực.

Tố Uyên - Tiến Nhất (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)


Tuy nhiên, các đại biểu dự diễn đàn cũng đưa ra cảnh báo cho năm tới. Giáo sư Nouriel Roubini, người giành giải thưởng Nobel Kinh tế của Mỹ, cảnh báo một cuộc khủng hoảng khác sẽ nổ ra trong hai năm nữa. Còn theo Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagard, một trong các rủi ro là "hiệu ứng tràn" (phản ánh mối quan hệ tương hỗ giữa các nền kinh tế thị trường) khi Mỹ thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng. Bà cũng không loại trừ khả năng Eurozone sẽ rơi vào giảm phát mặc dù Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi phủ nhận nguy cơ này.


Một thách thức khác mà cộng đồng quốc tế vẫn còn phải đương đầu là cách biệt giàu nghèo ngày càng gia tăng. Lần đầu tiên, Diễn đàn Kinh tế Thế giới ghi nhận cách biệt đó có thể là nguồn gốc dẫn tới bất ổn xã hội. Một bản báo cáo của Tổ chức Oxfam được bình luận khá nhiều tại Davos. Báo cáo cho thấy hiện nay, 1% dân số trên hành tinh đang nắm trong tay đến gần 1/4 của cải của toàn cầu.

TTG

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN