Lá cờ và người chiến sĩ Điện Biên

Có nhiều điều bất ngờ và nhiều câu chuyện cảm động nơi chiến trường Điện Biên Phủ trong những tháng ngày ác liệt ấy. Để các thế hệ hôm nay không thể nào quên một quá khứ hào hùng...


Nhuộm vải bằng thuốc ký ninh


Nữ văn công Ngọc Diệp (SN 1936), đội văn công Đại đoàn 308 kể rằng, những năm tháng chiến dịch Điện Biên Phủ là ký ức không thể nào quên trong suốt cuộc đời mình. Và trong những tháng ngày ác liệt ấy, có một kỷ niệm đặc biệt đối với bà, đó là thêu cờ Quyết chiến quyết thắng.

 

Bà Diệp tự hào nhớ về một thời oanh liệt.


Khi đó, có lệnh Bác Hồ sẽ tặng cờ luân lưu cho đơn vị nào đạt thành tích xuất sắc, nhưng trong điều kiện chiến trường không có sẵn cờ, Đại đoàn 308 giao cho đội văn công thực hiện nhiệm vụ này. Đội văn công đã giao cho Ngọc Diệp và Phùng Đệ (sau này Phùng Đệ trở thành nhà quay phim) làm việc đó.


Nhưng chỉ có một mảnh vải được phát, làm thế nào để thêu cờ? Cần phải có chỉ màu vàng để thêu ngôi sao và bốn chữ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Bỗng Ngọc Diệp nghĩ ra một cách, dùng thuốc ký ninh (sốt rét) để nhuộm vải. Thuốc này nhanh chóng được huy động từ anh em trong đội văn công và các chiến sĩ rồi đem nghiền nát, hòa vào nước cho màu vàng. Cuộn băng cá nhân được ghép lại thành tấm vải, đem nhuộm để cắt hình ngôi sao và chữ. Hành quân phải đi liên tục nên vải sau khi nhuộm xong đem vắt lên ba lô cho khô, làm như thế khoảng ba lần là được. Đến bây giờ bà Ngọc Diệp vẫn không hiểu tại sao lúc ấy lại có thể nghĩ ra sáng kiến ấy.

 

Bà Ngọc Diệp (thứ hai từ trái sang) trong một lần biểu diễn phục vụ bộ đội (ảnh do gia đình cung cấp).


“Anh Phùng Đệ rất khéo tay, anh ấy cắt hình ngôi sao và chữ từ giấy báo, tôi cứ theo hình ấy mà cắt vải theo, sau đó thì khâu cờ. Phần tua rua của lá cờ thì dùng dù màu trắng ngà vì lúc ấy chẳng có tua rua màu vàng”, bà Diệp kể.


Lúc ngồi khâu cờ, Ngọc Diệp sốt cao, sốt rét chẳng loại trừ ai khi đi chiến dịch. Sau này, ông Phùng Đệ mới kể lại rằng, lúc nhìn Ngọc Diệp cặm cụi ngồi khâu cờ khổ sở vô cùng, thương lắm nhưng cũng chỉ biết im lặng. Khi lá cờ được khâu xong cũng là lúc Ngọc Diệp phải vào nằm viện dã chiến.


Và câu chuyện cảm động về người chiến sĩ


Lá cờ ngay lập tức được nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển và Đào Đình Ngọ (đội kịch) đem xuống Tiểu đội Tâm đao - tiểu đội cảm tử của Đại đoàn. Khi ấy đang là đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Đội Tâm đao đang chuẩn bị bước vào trận đánh, nhiệm vụ của họ sẽ phải mang bộc phá vượt qua hàng rào xông thẳng vào lô cốt địch để đánh mở đường, các mũi khác sẽ đánh vòng. Nhạc sĩ Ngô Sĩ Hiển kể rằng, câu chuyện về việc chuyển lá cờ sẽ chẳng có gì đặc biệt, nếu như ông không gặp người chiến sĩ trẻ măng của đội cảm tử. Cuộc gặp gỡ đó đã khiến ông xúc động mạnh.


“Khi tôi và anh Đào Đình Ngọ đem cờ đến nơi, một hình ảnh đập vào mắt mà tôi không thể nào tin được. Trước đó, tôi cứ hình dung, trước trận đánh, mà biết trước hy sinh là khó tránh, thì không khí sẽ phải căng thẳng, mọi người sẽ phải trầm tư suy nghĩ nhiều lắm. Vậy mà nơi đây, một không khí hoàn toàn khác. Tất cả còn rất trẻ, người đang xem lại vũ khí, người đang xiết lại dây bộc phá, có anh ngồi dán mũ, xem lại bi đông nước”, ông Ngô Sĩ Hiển kể.


Nhưng điều khiến ông bất ngờ hơn cả là có một người chiến sỹ (đến bây giờ ông cũng chẳng biết anh ấy tên gì) lại gần đưa cho ông một cuốn sổ tay: - Nhờ anh chép cho em mấy bài hát vào đây, mai về em còn hát.


Lúc ấy, nhìn gương mặt người chiến sỹ và nghe giọng nói hồn nhiên, ông không thể nghĩ chàng trai ấy có thể đưa ra một yêu cầu bất ngờ như thế. Bình thường anh em vẫn nhờ ông chép giúp bài hát vào sổ tay, nhưng đó là vào những thời điểm khác, đằng này là ngay trước trận đánh. Ra trận hôm nay, liệu ngày mai có quay về?


Nhưng ông vẫn cứ chép cho người chiến sỹ mấy bài hát, trong đó có bài Thời cơ đến (bài hát sáng tác tập thể của Đại đoàn 308). Và dự cảm của ông đã đúng, người chiến sĩ ấy không khi nào trở về nữa...


Câu chuyện về người chiến sỹ của tiểu đội Tâm đao đã theo ông suốt những năm tháng sau này. Xúc động, mến thương, trân trọng và tiếc thương, 30 năm sau đúng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Điện Biên, ông đã sáng tác ca khúc “Cuốn sổ tay” với hình tượng người chiến sĩ anh dũng đó: “Ba mươi năm qua tôi vẫn còn giữ mãi cuốn sổ tay nho nhỏ/Anh chiến sĩ Điện Biên trao cho tôi trước giờ súng nổ/Dưới mái lán, anh ngồi xiết dây bộc phá/Đêm xuất kích anh nghĩ gì anh nhỉ?/Mà vẫn vui hồn nhiên, thanh thản ung dung...”.


Nhiều người thắc mắc, không thể tin “trước giờ súng nổ” mà anh chiến sĩ Điện Biên lại có thể “vui hồn nhiên xiết dây bộc phá”. “Nhưng đúng là như thế, anh chiến sĩ ấy đã làm được điều kỳ diệu đó”, ông Ngô Sĩ Hiển kể. Vì vậy, cho đến tận bây giờ, khi nhắc lại câu chuyện này, ông vẫn xúc động như cách đây 60 năm khi đứng trước chàng trai trẻ. Ca khúc này Ngô Sĩ Hiển đã đạt giải Nhì toàn quân năm 1984.


Bài và ảnh: Xuân Phong


 

Bài 4: Gặp người hỏi cung tướng Đờ cát

Tinh thần lính cao xạ
Tinh thần lính cao xạ

Với ý chí “chết trên mâm pháo, sống trên mâm pháo”, các pháo thủ cao xạ đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. 60 năm trôi qua, chiến binh Phạm Đức Cư, 85 tuổi ở Đội C4, xã Thanh Xương, tỉnh Điện Biên vẫn nhớ rõ tinh thần thép của lính pháo cao xạ anh dũng, gan dạ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN