Hàng năm, vào 14/3, ngày mà Tiểu đoàn pháo cao xạ 383 lập chiến công bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay đầu tiên ở Điện Biên Phủ, những cựu pháo thủ lại gặp nhau.
Niềm vui ngày gặp mặt
Những pháo thủ là những chàng trai tuổi mới đôi mươi chiến đấu dưới bầu trời Điện Biên năm nào bây giờ hầu hết trên 80 tuổi, sức đã yếu đi rất nhiều.
Ông Nguyễn Trấn (79 tuổi), ban liên lạc của tiểu đoàn cho biết, trước giờ họp mặt, 6 người điện thoại nói đã chuẩn bị đi rồi, nhưng huyết áp lên cao nên đành uống thuốc nằm ở nhà. Còn lại, người thì nhờ con cháu đưa đi, người thì đi taxi, người thì đi xe ôm. Ông Đỗ Văn Dĩnh, ở Việt Yên, Bắc Giang bảo rằng, mặc dù trời mưa rét nhưng nghĩ đến đồng đội nên vẫn bảo con đưa về Hà Nội. Ông Dĩnh đùa vui, năm nay đã 91 tuổi, vợ ông năm nay 90 tuổi, nhưng được cái ông chưa phải đi viện lần nào, còn minh mẫn lắm.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn pháo cao xạ 383 trong ngày gặp mặt (ảnh chụp ngày 14/3/2014). |
Ông Bùi Văn Cộng (82 tuổi), pháo thủ Đại đội 818 cho biết, trước lúc đi huyết áp lên cao đã định không đi nữa, nhưng uống thuốc thấy huyết áp xuống; vậy là khoác áo, đeo huy chương, bảo cháu chở đi. Ông nói phải đi bằng được, bởi năm sau không biết có còn đi được nữa không. Từ lúc thành lập ban liên lạc đến nay hơn 60 người đã ra đi rồi… Ai đã mất hoặc ốm không đi được thì vợ hoặc con cái họ cũng có mặt, thay cho chồng, cho cha mình.
Buổi gặp mặt đơn giản nhưng ấm cúng, người kể chuyện chiến trường, người đọc thơ, người thì hát. Ai cũng lên lão hết rồi, tóc bạc, da mồi, có người đi phải chống gậy, con cái dìu tay, nhưng vẫn nở nụ cười tươi. Với họ, Điện Biên Phủ và những ngày kéo pháo vào kéo pháo ra, những ngày chiến đấu bên mâm pháo, giây phút bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên của địch dưới bầu trời Điện Biên, giây phút khóa sổ bắn chiếc máy bay cuối cùng của địch là những giây phút không thể nào quên.
Nhớ những chiến công
Ông Nguyễn Cần (87 tuổi) nói đầy tự hào rằng, tiểu đoàn pháo cao xạ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình ở Điện Biên Phủ. Trong đó, Đại đội 815 đã lập công đầu khi 8 giờ 30 phút ngày 14/3 bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát Moran 500 khi bảo vệ Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Chiếc máy bay bốc cháy cắm đầu xuống Mường Thanh ngay trước mặt quân thù đã khiến chúng phải khiếp sợ. Đại đội 816 (ông Nguyễn Cần là đại đội phó) bắn rơi chiếc máy bay bổ nhào, bắt sống giặc lái tại Him Lam.
Tiểu đoàn pháo cao xạ 383 gồm ba đại đội pháo cao xạ 37 ly (815, 816, 817) và một đại đội súng máy cao xạ 12 ly 7 (818). Tiểu đoàn 383 cùng với Tiểu đoàn 394 là hai tiểu đoàn đầu tiên của Trung đoàn 367 sau khi huấn luyện tại Trung Quốc về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Đây cũng là đơn vị bắn rơi chiếc máy bay vận tải hai thân C119 do phi công Mỹ lái, cắt đứt hoàn toàn đường vận tải của Pháp ở Điện Biên ngày 6/5. Đại đội 817, ông Trần Thọ Vệ là đại đội trưởng, ông Đỗ Văn Dĩnh là đại đội phó, ông Phạm Hồng Liên là chính trị viên trưởng. Ngày 7/5, trong lúc Tướng Đờcáttơri điện cho Nava ở Hà Nội tuyên bố: Cố thủ không đầu hàng ở Điện Biên Phủ, thì Đại đội 817 bắn rơi hai máy bay tại chỗ, cũng là hai chiếc máy bay cuối cùng bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ.
Nhắc đến chiến công bắn rơi hai chiếc máy bay sau cùng ấy, ông Đỗ Văn Dĩnh, đại đội phó 817, là người trực tiếp chỉ huy, phất cờ thổi còi làm hiệu lệnh chiến đấu vào ngày cuối cùng của chiến dịch kể: “Sáng hôm ấy trời mù sương. Hơn 9 giờ máy bay mới lên được. Thấy máy bay bổ nhào xuống đồi A1, đại đội bắn một loạt đạn, trong đó có một viên nổ sớm, một chiếc máy bay trúng đạn đã bổ nhào xuống Hồng Cúm. 5 phút sau thì bắn rơi tiếp một chiếc thứ hai. Lúc ấy cũng chẳng biết máy bay bị rơi là loại máy bay nào. Về sau được thông báo là hai chiếc F4U mà Mỹ mới trang bị cho hải quân Pháp. Cả chiến dịch Pháp được trang bị ba chiếc máy bay loại này”. Cũng theo ông Dĩnh, sau chiến dịch, trên đường kéo pháo về, Đại đội 817 còn bắn rơi một máy bay nữa.
Với những chiến công của mình, Tiểu đoàn pháo cao xạ 383 là đơn vị bắn rơi nhiều máy bay nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ: tiêu diệt 18 máy bay các loại, gần bằng một phần ba tổng số máy bay địch bị bắn rơi trong chiến dịch; bắn bị thương 67 chiếc; bắt sống 3 giặc lái trong đó bắt tại chỗ trung úy phi công Robert Danien.
Tinh thần vượt gian khó
“Những ngày kéo pháo vào gian khổ vô cùng. Khi kéo pháo vào lo nhất là làm sao để an toàn cho pháo. Xẻ núi làm đường, lại làm gấp, lối đi quanh co, lòng hẹp chỉ vừa đủ đặt khẩu pháo, lệch một chút là lao xuống vực. Những ngày mưa lầy lội, kéo pháo nhích từng bước một. Vậy mà ngay khi gần đến trận địa, Đại đội 817 được lệnh kéo pháo ra do thay đổi phương châm, chuyển sang đánh chắc, thắng chắc”, ông Đỗ Văn Dĩnh kể. Khi ra, vẫn con đường ấy nhưng đã nát hết bởi mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn, chưa kể đạn dược, quân trang. Ngụy trang cũng đã bị lộ bởi cành cây héo, máy bay địch phát hiện thả bom liên tục. Trên đường ra, ngày thì khoét hầm cá nhân sát pháo, vừa coi vừa tranh thủ nghỉ, đêm tiếp tục kéo pháo ra. “Ăn Tết Giáp Ngọ xong, khi công binh đã sửa đường, vào làm trận địa trước thì đơn vị lại tiếp tục kéo pháo vào”, ông Vĩnh kể tiếp.
Nhưng những ngày gian khổ ấy cũng qua đi, chuẩn bị cho những trận đánh lớn sau đó. “Trước khi đánh trận đầu tiên bảo vệ Đại đoàn 312 ở dưới chân đồi Him Lam, Đại đội 816 đã hạ nòng pháo mặc niệm những chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh bởi máy bay Pháp ném bom trước đó. Đây là lúc ta sẽ trả mối thù này. Các pháo thủ của ta không hầm tránh bom, đạn; trang bị đơn sơ, chỉ có mũ sắt đội đầu nhưng tinh thần chiến đầu quả cảm”, ông Nguyễn Tuấn Chuyển kể. Tinh thần ấy đã thể hiện trong lời quyết tâm của các pháo thủ khi trả lời đồng chí Lê Duẩn thăm anh em pháo binh lúc đang huấn luyện ở Trung Quốc đầu năm 1953. “Khi ấy, đồng chí Lê Duẩn hỏi: Liệu các xạ pháo Việt Nam có để chiến sĩ phải chạy khi giặc đến không? Khi ấy, các chiến sĩ đã trả lời: Không bao giờ chạy mà chỉ chạy vòng theo pháo để tiếp đạn”, ông Nguyễn Tuấn Chuyển nhớ lại.
Còn trong trí nhớ của ông Lê Văn Nhị (88 tuổi), Đại đội 818, các pháo thủ khi đã ở bên mâm pháo thì bắn máy bay không còn sợ gì nữa. Ăn uống cũng rất đơn giản. Nếp nương nấu nát, đặt lên hòm đạn cán phẳng, cắt nhỏ khoảng 5 cm, ăn với mắm kem, một loại mắm cô đặc, rất mặn. Vậy mà chiến đấu bền bỉ. “Ngoài chiến đấu, đêm chúng tôi còn đào giao thông hào cho bộ binh; vác đạn 105, đạn cối 120 ly cách Mường Phăng 15 km. Đó là những ngày tháng không thể nào quên được”, ông Nhị nói.
Bài và ảnh: Xuân Phong