Cách đây 39 năm, vào lúc 15 giờ ngày 29/3/1975, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân và dân ta đã tung bay trên nóc Toà Thị chính và trụ sở chỉ huy quân đoàn I ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại - Thành phố Đà Nẵng đã được giải phóng. Sau thắng lợi lịch sử mùa Xuân 1975, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân thành phố Đà Nẵng tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vừa khôi phục kinh tế, vừa khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh xâm lược; đồng thời đối phó với những âm mưu thủ đoạn bao vây tiến công từ nhiều phía của các thế lực thù địch, tập trung sức xây dựng thành phố và đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng.
Cơ sở hạ tầng gắn liền chỉnh trang đô thị
Thành tựu nổi bật nhất là công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền với chỉnh trang đô thị. Đà Nẵng luôn kiên trì chủ trương đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng làm cơ sở, nền tảng cho phát triển kinh tế. Hàng loạt các dự án đã được đầu tư triển khai trong thời gian qua, tạo cho thành phố diện mạo mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Các nhà đầu tư và du khách thấy Đà Nẵng ngày càng hấp dẫn hơn.
Kinh tế phát triển, Đà Nẵng đã khoác lên mình một diện mạo mới. |
Nhìn lại chặng đường qua Đà Nẵng khẳng định huy động nguồn lực toàn xã hội, tập trung đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội là một chủ trương đúng đắn. Trên cơ sở những thành quả đạt được ban đầu này, Đà Nẵng đã đẩy mạnh hơn nữa các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị theo một quy hoạch thật sự khoa học và đảm bảo các công trình cơ sở hạ tầng có quy mô lớn, đồng bộ hơn, có chất lượng cao hơn, văn minh hiện đại hơn.
Phát triển kinh tế gắn với công bằng xã hội
Những năm qua, mỗi năm bình quân tốc độ tăng GDP của Đà Nẵng đạt trên 10%. Chỉ tính sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XX nhiệm kỳ 2010- 2015, thành phố đã đạt nhiều kết quả quan trọng và tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn 3 năm 2010- 2013 tăng 10%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, với tỷ trọng dịch vụ 55,4%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 2,4%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 56,3 triệu đồng, bằng 1,35 lần năm 2011 và cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước năm 2013. Các lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, tỷ trọng đóng góp GDP luôn chiếm trên 50%; giá trị sản xuất dịch vụ tăng 12,6%/năm, năm 2013 đạt 39.679 tỷ đồng, bằng 1,24 lần năm 2011, tăng 10% so với năm 2012.
Giai đoạn 2011- 2013, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng đạt 8 triệu lượt người, tăng 19,2%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 1,9 triệu lượt người, tăng 24%/năm. Riêng năm 2013, lần đầu tiên đạt trên 3,1 triệu lượt khách đến thành phố, bằng 1,3 lần so với năm 2011. Các lĩnh vực dịch vụ, tài chính, tín dụng, ngân hàng, vận tải, cảng biển, tư vấn, bưu chính, viễn thông... đều phát triển mạnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ tăng 16,9%/năm; năm 2013, lần đầu tiên xuất khẩu hàng hóa đạt trên 1,3 tỷ USD.
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10%/năm, riêng năm 2013 giá trị thực hiện 38.384 tỷ đồng. Từ năm 2011- 2013, thành phố có 19 dự án mới có quy mô khá lớn đã đi vào hoạt động, với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Thành phố đang tập trung thu hút phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin. Đặc biệt, thành phố đã ký kết triển khai Dự án phát triển bền vững giai đoạn 2013- 2018 do Ngân hàng Thế giới tài trợ, trị giá 272 triệu USD, trong đó, vốn tài trợ 202,5 triệu USD.
Đà Nẵng luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đến nay thành phố có hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học. 100% xã, phường thành phố đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục Trung học cơ sở đúng độ tuổi và phổ cập bậc trung học. Mạng lưới y tế cơ sở được hoàn thiện, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển hệ thống y tế ngoài công lập, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thành phố xác định xóa đói giảm nghèo là chương trình hàng đầu với sự huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội và đặc biệt từ năm 2011- 2013, thành phố đều lấy chủ đề là "Năm an sinh xã hội", tập trung chăm lo đời sống các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội, hộ nghèo và đồng bào dân tộc; 100% gia đình chính sách có nhà ở ổn định, có mức sống bằng hoặc khá hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú. Mặc dù thành phố đã di dời, giải tỏa hơn 100.000 hộ dân để xây dựng hạ tầng đô thị nhưng đã không để xảy ra điểm nóng, tuyệt đại bộ phận ngưòi dân thực hiện tốt và thành phố đảm bảo cuộc sống của người dân sau đền bù, giải toả khá hơn trước.
Đặc biệt, chương trình thành phố "5 không, 3 có" (Không có hộ đặc biệt nghèo; Không có học sinh bỏ học; Không có người lang thang xin ăn; Không có giết người,cướp của; Không có người nghiện ma tuý trong cộng đồng. 3 có là Có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hoá văn minh đô thị) tiếp tục được duy trì, mang đậm tính nhân văn và định hình nét văn hóa của thành phố.
39 năm qua, đất nước trải qua nhiều đổi thay, Đà Nẵng đã vượt qua nhiều gian nan thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, vừa thường xuyên nâng cao cảnh giác, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế, xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng đã cố gắng rất lớn để đưa Đà Nẵng từ một căn cứ quân sự khổng lồ trở thành một thành phố công nghiệp, một trung tâm dịch vụ, một cửa ngõ giao thông quốc tế quan trọng và nay là đô thị loại một quốc gia.
Có được những thành tựu đó là nhờ Đà Nẵng đã phát huy cao độ nội lực, dựa vào nhân dân, phát huy nguồn lực vô tận của nhân dân. Có thể nói các chủ trương lớn của thành phố đã nhận được sự đồng thuận hết sức rộng rãi của nhân dân. từ các bậc cao niên đã sống qua nhiều chế độ, các chức sắc tôn giáo, những nhân sĩ trí thức, bà con công thương gia, các đồng chí hưu trí đến cán bộ công chức viên chức, những người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, bà con nông dân đều ủng hộ các chủ trương của thành phố.
Những chủ trương mà mọi người đều thấy tất cả vì lợi ích của nhân dân, của thành phố và vì vậy tất cả đều hăng hái đóng góp công sức, của cải, trí tuệ cho sự nghiệp xấy dựng và phát triển thành phố. Một điều cũng hết sức quan trọng là từ việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là việc thực hiện công khai, minh bạch, bàn bạc dân chủ, đối thoại trực tiếp, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đảm bảo quyền làm chủ được tôn trọng trong thực tế, đã nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, mọi người đều thấy công việc của thành phố là công việc của mình, ngày càng yêu mến gắn bó với thành phố hơn.
Văn Sơn