Trong những ngày qua, Hiệp hội đã nhận được rất nhiều phản ánh của các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên về những vướng mắc liên quan đến việc thực hiện yêu cầu tại Công văn số 2916/C67-P9 ngày 31/5 của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) hướng dẫn công an các tỉnh, thành phố xử lý vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp.
Các TCTD rất hoang mang, lo lắng, nhất là những ngân hàng thương mại có dịch vụ cho vay tiêu dùng mua ô tô chiếm tỷ trọng lớn (có những ngân hàng tỷ trọng dư nợ lĩnh vực này khoảng 30%, trong đó tỷ lệ khoản vay được đảm bảo chính bằng xe ô tô hình thành từ vốn vay chiếm khoảng 90% với giá trị mỗi khoản vay lên tới 80 - 90% giá trị xe).
“Có những khách hàng đã đề nghị ngân hàng trả lại bản chính giấy đăng ký xe đang thế chấp tại ngân hàng do bị xử phạt khi sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp. Trong khi đó, xe ô tô là một tài sản đặc thù, các TCTD nói chung đều không thể quản lý cầm giữ xe ô tô mà chỉ có thể kiểm soát được rủi ro thông qua giữ bản chính giấy đăng ký xe”, đại diện Hiệp hội ngân hàng nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng, nếu để bên thế chấp vừa giữ ô tô vừa giữ bản chính giấy đăng ký xe thì khách hàng vay vốn có thể tự động chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, cầm đồ...Trong trường hợp đó, TCTD không thể kiểm soát, quản lý được khoản vay, không thể xử lý, thanh lý khoản vay khi khách hàng không trả được nợ, có nguy cơ sẽ làm tăng nợ xấu của TCTD. Từ đó, các TCTD sẽ e ngại cho vay, hạn chế sự tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân đối với lĩnh vực này.
Về mặt pháp lý, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp có quyền giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp nếu các bên có thỏa thuận. Việc quy định bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong khi bên thế chấp vẫn giữ tài sản thế chấp như quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012/NĐ-CP) là không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và dẫn đến những khó khăn, vướng mắc nêu trên của bên nhận thế chấp. Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các giấy tờ người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo gồm Đăng ký xe nhưng không quy định phải là bản chính.
Điều 3 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch thì quy định: Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính phủ không quy định xử phạt đối với trường hợp sử dụng giấy đăng ký xe là bản sao từ bản chính do đơn vị có thẩm quyền cấp khi tham gia giao thông.
Trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giao thông đường bộ, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và để giải quyết kịp thời kiến nghị của các TCTD, đảm bảo quyền lợi của đơn vị nhận thế chấp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và các TCTD thực hiện hoạt động cho vay và đi vay thuận lợi, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông chấp nhận và không xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp khi cho vay.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP, Nghị định 11/2012/NĐ-CP phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015, trong đó quy định bên nhận thế chấp được quyền giữ bản chính giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
“Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo thanh tra giao thông cho phép người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng bản sao giấy đăng ký xe có xác nhận của ngân hàng nhận thế chấp phương tiện giao thông khi tham gia giao thông”, đại diện Hiệp hội Ngân hàng đề xuất.