Để phòng bệnh cho trẻ trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc cha mẹ cần áp dụng phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Theo các BS của BV Nhi TƯ, trẻ bị tiêu chảy thường kèm theo sốt, ho (dễ nhầm với viêm đường hô hấp), có thể các cháu nôn rất nhiều, sau 6- 24 giờ các cháu mới đi ngoài phân lỏng. Sang đến ngày thứ 5- 6, bệnh của cháu có thể mới ổn định. Trong điều trị tiêu chảy cho trẻ, quan trọng nhất là bù dịch (có thể bằng đường uống hoặc truyền tĩnh mạch), bù kẽm (trong vòng 10- 14 ngày) và chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Điều đáng tiếc là cho đến nay, vẫn có cha mẹ tưởng Oserol là thuốc nên chia nhỏ gói Oserol làm nhiều lần để cho trẻ uống. Hậu quả là không ít trẻ nhập viện trong tình trạng mất nước trầm trọng. Do đó, các bậc cha mẹ cần lưu ý pha Oserol đúng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Nếu trẻ nôn nhiều, tốc độ tiêu chảy mạnh hơn, sốt tăng lên, không được bù dịch, đi ngoài ra máu, mệt hơn... thì cần đưa tới bệnh viện ngay. Vì nếu không được bù dịch kịp thời, trẻ có thể tử vong.
Theo BS Nhuận, các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng khi con trẻ mắc tiêu chảy kèm theo sốt; tình trạng sốt này ở trẻ có thể do bệnh nhiễm trùng gây ra nhưng cũng có thể do cơ thể trẻ chưa thích ứng được với môi trường bên ngoài. Nghĩa là, nắng nóng quá cũng khiến trẻ bị sốt. Vì vậy, điều quan trọng là cần chăm sóc trẻ chu đáo, khi trẻ bị sốt nên nới rộng quần áo, dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng đáng tiếc.
Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 khuyến cáo, bệnh TCM lây lan chủ yếu qua đường tiếp xúc với các dịch tiết từ vùng miệng, phân, nước bọt của trẻ bệnh, mầm bệnh và có thể phát tán qua đường hô hấp của trẻ bệnh khi trẻ ho hay hắt hơi. Vì thế, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ khác có bệnh và phải vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, để đạt hiệu quả lâu dài trong phòng tránh dịch bệnh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các đơn vị y tế tiếp tục tăng cường tập huấn các nội dung về phòng chống TCM, sốt xuất huyết… cho đội ngũ cán bộ y tế, giảng viên giáo dục sức khỏe của tuyến cơ sở.
Theo các chuyên gia y tế, để phòng chống dịch bệnh cho trẻ, cần tiêm chủng cho trẻ theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. Giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay sạch sẽ. Khi trẻ ốm cần đưa trẻ tới khám tại cơ sở y tế, tuyệt đối không được tự ý điều trị cho trẻ.
Phương Liên - Đan Phương - Hoàng Tuyết