Không loại trừ khả năng virút Zika xâm nhập

Gần đây, vì được “nhắc” đến nhiều, nhất là về dị tật đầu nhỏ, nên khá nhiều người dân e ngại dịch bệnh do virút Zika. Tại thời điểm hiện nay, việc ứng xử với dịch bệnh Zika như thế nào và liệu virút này có khả năng xâm nhập vào nước ta hay không?

PGS.TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Tuần qua, tại Trung Quốc lại xuất hiện thêm 2 ca nhiễm virút Zika, nguy cơ dịch bệnh này xâm nhập vào Việt Nam có gia tăng không, thưa ông?

Tại Trung Quốc, cả 8 ca nhiễm virút Zika đều là 8 ca xâm nhập, có nghĩa cả 8 ca đều là những trường hợp đi về từ vùng có dịch chứ không phải mắc bệnh tại Trung Quốc.

Vấn đề chỉ đáng ngại khi từ 8 ca bệnh này, rồi lại liên tiếp có thêm bệnh nhân từ các vùng dịch trở về thì thông qua véc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có thể sẽ ngày một phức tạp hơn. Khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc thì nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam rất cao.

Một số chuyên gia y tế cũng cho rằng, dịch Zika thậm chí còn “thua” dịch sốt xuất huyết vẫn lưu hành tại Việt Nam. Vậy Bộ Y tế có quá “lo xa” khi khởi động toàn bộ hệ thống y tế như trong tình trạng có dịch?

Bệnh do virút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. Khoảng 80% số bệnh nhân bị nhiễm virút Zika không có biểu hiện lâm sàng; khoảng 20% còn lại có triệu chứng gần giống nhưng không nặng như sốt xuất huyết. Nhưng kể từ sau khi Brazil, Columbia phát hiện trường hợp thai phụ nhiễm virút Zika và em bé sinh ra bị dị tật đầu nhỏ, thì đã dấy lên những lo ngại nhiều hơn về virút Zika. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa khẳng định 100% nguyên nhân gây dị tật là do virút Zika nhưng đã có nhiều yếu tố dẫn đến nghi ngại trên; vấn đề đang tiếp tục được WHO điều tra, nghiên cứu.

Giám sát khách xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai bằng máy đo thân nhiệt. Ảnh: Lục Hương Thu-TTXVN

Ngoài những lo lắng về dị tật đầu nhỏ, các chuyên gia y tế cũng rất quan ngại về tốc độ lây lan của dịch bệnh. Virút Zika đã được phát hiện lần đầu tiên trên động vật tại rừng Rika của Uganda vào năm 1947. Nhưng kể từ khi được phát hiện tại Brazil vào tháng 5/2015, dịch bệnh đã bùng phát và lây lan nhanh chóng. Tính đến nay, vi rút này đã lan truyền đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh, tuy nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng nguy cơ virút Zika xâm nhập. Một là do trong nước đang có sẵn véc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes (cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết), virút Zika hoàn toàn có thể lây truyền ở nơi có muỗi Aedes lưu hành. Hai là, cộng đồng chưa có miễn dịch với căn bệnh này, đây là loại virút mà thế giới chưa có vắc xin và thuốc đặc trị. Vì thế, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là có thể.

Do đó, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virút Zika của Bộ Y tế đến thời điểm này là hoàn toàn phù hợp, không có gì gọi là “quá lo xa”. Để dự phòng, cảnh báo mạnh nhất mà Việt Nam đưa ra đó là nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người đi về từ vùng có dịch cần phải đến ngay cơ sở y tế để xét nghiệm xem có nhiễm virút Zika hay không. Trường hợp phát hiện ca mắc, ngành y tế sẽ nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, không để lây lan… Các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur đã chủ động triển khai các nghiên cứu dịch tễ học, xét nghiệm trên diện rộng nhằm đánh giá nguồn gốc, phương thức lây truyền để đưa ra các biện pháp giảm mắc, giảm tử vong phù hợp. Việc triển khai kiểm tra thân nhiệt hành khách tại cửa khẩu cũng được chuyên gia y tế quốc tế nhận định là một giải pháp cần thiết, một số bệnh nhân tại Trung Quốc được phát hiện cũng bằng biện pháp dự phòng này…

Vậy về phía người dân, cần “ứng xử” sao với dịch bệnh do vi rút Zika, thưa ông?

“Cẩn trọng phòng bệnh nhưng không hoang mang”, đó là thông điệp mà ngành y tế muốn gửi tới người dân. Biện pháp phòng bệnh cũng tương tự như phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bởi cả 2 dịch bệnh đều chung véc tơ truyền bệnh là muỗi Aedes. Không có muỗi sẽ không có dịch bệnh nên cần chủ động áp dụng biện pháp chống muỗi đốt và tham gia các hoạt động diệt muỗi và bọ gây (loăng quăng) tại cộng đồng. Không đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virút Zika khi không cần thiết. Nếu phải đến các khu vực có dịch do virút Zika cần phải được tư vấn cán bộ y tế để có thông tin đầy đủ về các biện pháp phòng chống lây nhiễm virút Zika. Sau khi về từ các khu vực có dịch cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm để phát hiện sớm yếu tố lây nhiễm.

Xin cảm ơn ông!
Phương Liên (thực hiện)
Thêm hai ca nhiễm Zika tại Trung Quốc
Thêm hai ca nhiễm Zika tại Trung Quốc

Giới chức y tế tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, ngày 7/3 thông báo đã phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm virus Zika ở tỉnh này, nâng số người nhiễm virus Zika ở Trung Quốc lên 12.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN