Gần đây nhiều địa phương, cơ quan báo chí nêu lên một số đối tượng không làm báo, không đủ tiêu chuẩn làm báo đã đến các địa phương lợi dụng danh nghĩa của người làm báo để lấy tin bài, đòi quảng cáo, sách nhiễu ở địa phương. Hình ảnh của người làm báo trong công chúng bị xuống cấp bởi chính những đối tượng giả mạo; những người làm báo chân chính sẽ gặp khó khăn khi tác nghiệp. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn
(ảnh) đã cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về biện pháp xử lý cũng như khuyến cáo của cơ quan chức năng về vấn đề này.
Gần đây xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa của người làm báo để đòi quảng cáo, gây sách nhiễu ở địa phương. Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của ông về vấn đề này? Để giúp cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ và mục đích của mình, đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã cấp gần 18.000 thẻ nhà báo trên cả nước. Thực tế thời gian qua nhiều nhà báo đã hoạt động tốt, góp phần đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước; đưa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với người dân giúp họ hiểu rõ các vấn đề của đất nước cũng như quốc tế.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ở nhiều địa phương xuất hiện tình trạng những người không có thẻ nhà báo ngang nhiên hoạt động như nhà báo, thậm chí một số người giả danh nhà báo, lợi dụng danh nghĩa nhà báo đi đòi quảng cáo, dọa nạt các doanh nghiệp, cơ quan để vòi tiền. Gần đây nhất có một trường hợp ở Quảng Bình lợi dụng danh nghĩa nhà báo câu kết với thầy bói để vòi tiền của người đã bị xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, còn diễn ra tình trạng phóng viên thường trú lại cấp giấy giới thiệu của cơ quan cho người khác để hoạt động với tư cách là phóng viên của cơ quan báo chí mình. Thêm vào đó, theo quy định, chỉ có nhà báo có thẻ mới được tác nghiệp nhưng một số cơ quan lại cấp thêm một số loại giấy tờ khác tương tự như thẻ nhà báo. Ví dụ gần đây có một văn phòng đại diện ở Nha Trang, Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận như thẻ nhà báo cho một đối tượng nhưng cơ quan báo chí chủ quản lại khẳng định đối tượng ấy không phải là người của tòa soạn.
Những việc làm này vi phạm quy định hành chính và quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc giả danh nhà báo còn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, lớn nhất là gây ảnh hưởng lớn đến thanh danh, uy tín của người làm báo. Hình ảnh của người làm báo trong công chúng bị xuống cấp bởi chính những đối tượng giả mạo; những người làm báo chân chính sẽ gặp khó khăn khi tác nghiệp.
Vậy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý báo chí đối với vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng? Trước hết phải khẳng định với vấn đề này vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, đặc biệt là của người đứng đầu cơ quan báo chí là rất quan trọng. Nếu cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu khống cho các văn phòng đại diện, các phóng viên thường trú để họ dùng giấy giới thiệu đó cử người khác thay mặt cơ quan báo chí đi làm là vi phạm quy chế, quy định về quản lý hành chính, thậm chí dẫn đến các hiện tượng vi phạm pháp luật. Thứ 2 là văn phòng đại diện không có quyền cấp giấy chứng nhận theo dạng mạo danh hoặc như thẻ nhà báo đối với người không hoạt động trong cơ quan báo chí. Việc này được quy định rõ tại Điều 6 khoản 2, điểm A, Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Trong Luật Báo chí (sửa đổi năm 2013), điều 19a cũng quy định cụ thể các tiêu chí để thành lập các văn phòng đại diện, các cơ quan thường trú. Ví dụ như người được chứng nhận là phóng viên thường trú tại địa phương phải có thẻ nhà báo. Cơ quan báo chí có nhu cầu thành lập cơ quan đại diện, thường trú phải có đủ điều kiện về nhân sự, trụ sở với đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để hoạt động và phải được sự đồng ý của UBND tỉnh, thành phố nơi cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện, cơ quan thường trú. Nhưng trên thực tế, nhiều cơ quan báo chí vẫn cử phóng viên thường trú mà không thông qua địa phương. Việc làm này vi phạm Luật Báo chí và vi phạm Nghị định 159/2013/NĐ-CP và Thông tư 13/2012/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chế tài, biện pháp xử lý và ổn định tình hình báo chí ở các địa phương, thưa Thứ trưởng? Bộ TT&TT khuyến cáo cơ quan báo chí nêu cao tinh thần trách nhiệm, quản lý tốt hơn nữa các phóng viên, biên tập viên của văn phòng đại diện, cơ quan thường trú; quản lý cộng tác viên, không để họ lợi dụng danh nghĩa cộng tác viên đi tác nghiệp như nhà báo, gây các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật tại địa phương. Các địa phương cũng cần tăng cường quản lý tốt hơn hoạt động này, trong đó phát huy vai trò của Sở TT&TT - cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, giúp lãnh đạo địa phương (UBND tỉnh) và Bộ TT&TT quản lý tốt hoạt động báo chí ở địa phương.
Về phía Bộ TT&TT, cùng với việc yêu cầu phóng viên chưa có thẻ nhà báo khi đi tác nghiệp tại địa phương phải có giấy giới thiệu của cơ quan báo chí do Tổng biên tập hoặc Phó Tổng biên tập của cơ quan báo chí ký, Bộ sẽ siết chặt lại các quy định quản lý báo chí. Sắp tới, Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 07/2007/TT-BVHTT về hướng dẫn cấp đổi lại thẻ nhà báo; tăng cường chỉ đạo các Sở TT&TT tích cực kiểm tra, nhất là với các cơ quan thường trú, văn phòng đại diện ở địa phương, thể thức hoạt động của phóng viên thường trú. Bộ TT&TT cũng xem xét việc lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra những nơi đã xảy ra sai phạm đáng tiếc, góp phần lập lại trật tự trên lĩnh vực quản lý báo chí, lấy lại uy tín cho những người làm báo chân chính, không để những kẻ lợi dụng danh nghĩa của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên đi làm những việc phi pháp ảnh hưởng đến uy tín của người làm báo…
Xin cảm ơn Thứ trưởng! Mỹ Bình (thực hiện)