Hàng trăm hộ dân thuộc 5 khu dân cư ở rạch Bà Tánh, Intresco 6B, Văn Lang, T30 thuộc xã Bình Hưng và Bình Hòa, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) phải “cùng ăn, cùng ngủ, cùng hít thở” với mùi hôi thối phát ra từ Nhà máy xử lý nước thải (NMXLNT) Bình Hưng.
“Nhịn thở”… để sống
Sáng 22/7, chúng tôi có mặt tại khu dân cư rạch Bà Tánh, một khu dân cư được quy hoạch khang trang, sạch sẽ, hạ tầng tốt nhưng không gian lại bao trùm mùi hôi thối như... “xác động vật bị phân hủy”. Ông Nguyễn Thanh Sơn nhà số 82, đường số 6, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, bức xúc nói: “Cái mùi hôi thối này hành hạ người dân chúng tôi từ giữa năm 2012 đến bây giờ chưa hết. Biết bao lần phản ánh chính quyền, thậm chí người dân ở các khu dân cư cùng kéo đến NMXLNT Bình Hưng để phản ảnh và yêu cầu giải quyết tình trạng hôi thối phát sinh từ việc xử lý nước thải ở nhà máy. Nhưng đến nay chuyện vẫn đâu vào đó, chúng tôi vẫn phải chịu cảnh sống với mùi hôi thối nồng nặc”.
Bà Nguyễn Thị Ánh cho biết mùi hôi xuất phát từ NMXLNT Bình Hưng. |
Theo ông Sơn, mùi hôi thối xuất hiện bất cứ lúc nào trong ngày nhưng cứ tầm tờ mờ sáng thì mùi hôi càng bốc lên nhiều hơn. “Không chỉ riêng tôi, mà nhiều hộ dân sinh sống xung quanh không thể ngủ yên giấc với cái mùi như xác chuột chết bay vào mọi ngóc ngách trong nhà. Buổi tối cả gia đình ăn cơm cũng không có cảm giác ngon lành gì vì cái mùi xú uế cứ lởn vởn dù tất cả mọi cửa, từ cửa chính đến cửa sổ đều đóng chặt”.
Rất nhiều hộ dân khác sống tại khu dân cư rạch Bà Tánh cũng bức xúc về mùi hôi thối phát ra từ NMXLNT Bình Hưng. Bà Nguyễn Thị Ánh, nhà số 72, đường số 6, kể: “Mùi hôi thối theo gió bay tứ tán khắp nơi, bất kể giờ giấc nào. Tôi tưởng về đây mua nhà được sống trong điều kiện tốt hơn, ai dè phải chịu cảnh này thì làm sao đảm bảo sức khỏe được. Cứ như vậy hoài, tôi chịu hết nổi chắc phải bán nhà dọn đi nơi khác”.
Bà Ánh cho biết thêm, nhiều hộ dân sau khi xây nhà xong, định dọn về ở thì cũng không dám về, còn nhiều hộ gia đình khác thì buộc phải “sơ tán” con cái đi ở nơi khác vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Anh Tất Văn Chí, ngụ nhà số 85 khu 39, nói với giọng bực tức: “Giờ chỉ có 2 vợ chồng tôi sống tại đây còn mấy đứa con đưa về nhà bà nội hết. Ở đây làm sao mấy cháu đảm bảo sức khỏe để học hành được. Tôi chỉ mong có được bầu không khí trong lành để hít thở nhưng sống ở đây phải thường xuyên “nhịn thở”, không dám thở nhiều. Vì cứ mỗi lần hít thở là thấy cái mùi hôi thối xộc vào mũi làm mình có cảm giác hàng triệu con vi khuẩn gây bệnh theo đó mà vào cơ thể”.
Các hộ dân ở khu dân cư Văn Lang, Intresco 6B, T30 cho biết, sức chịu đựng mùi hôi thối từ nhà máy của họ đã lên tới “đỉnh điểm”. Thậm chí, đã có vài hộ gia đình treo bảng bán nhà với giá rẻ hơn thị trường mà cũng không có ai dám vào mua. Vì cứ đặt chân đến xem nhà thì “một đi không trở lại” vì mùi hôi thối bay khắp nơi.
Làm theo công nghệ cũ?
Dù chưa có cơ quan nào thống kê chính thức, nhưng qua khảo sát, tìm hiểu của chúng tôi từ các hộ dân, mùi hôi thối gây ô nhiễm không khí từ NMXLHT Bình Hưng phát tán có phạm vi rất rộng, lên đến 2 - 3 km và ảnh hưởng không nhỏ đến hàng trăm hộ dân đang sinh sống xung quanh.
NMXLNT Bình Hưng do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM quản lý và giao cho Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị vận hành. Nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 100 triệu USD nhằm xử lý nước thải sinh hoạt thu gom từ các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10. Từ tháng 6/2009, nhà máy được hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất giai đoạn 1 là 141.000 m3/ngày.
Trước đó, vào tháng 5/2012, hàng loạt hộ dân sinh sống tại xã Bình Hưng đã gửi đơn khiếu nại về việc mùi hôi thối từ NMXLNT Bình Hưng gây ảnh hưởng đến cuộc sống tới UBND huyện Bình Chánh. Đầu tháng 6/2012, ngành tài nguyên môi trường đã lấy mẫu khí phân tích cho thấy chỉ tiêu H2S vượt quy định, chỉ tiêu Cr+6 trong mẫu bùn cũng vượt quy chuẩn… Ngay sau đó, NMXLNT Bình Hưng cũng đã có những cố gắng để khắc phục mùi hôi như sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu mùi, tăng thời gian lưu trữ bùn tại nhà lên men sơ cấp, không đảo trộn mà cho phun xịt hóa chất, che bạt chắn gió, tăng cường vận chuyển bùn ra bãi đổ… Bên cạnh đó, UBND thành phố còn bổ sung thêm kinh phí 13 tỷ để tăng cường giải pháp khắc phục mùi hôi. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, tình trạng bốc mùi hôi thối lại tiếp diễn.
Thời điểm chúng tôi có mặt trước cổng NMXLNT Bình Hưng, nhiều công nhân đang ra khỏi cổng để nghỉ trưa, một công nhân của nhà máy liền hỏi chúng tôi: “Ở đây hôi thối quá trời mà còn đứng ở đây làm chi vậy?”. Có thể nói, việc xử lý bùn thải dạng “hở” như NMXLNT Bình Hưng đang thực hiện là quá lạc hậu và chỉ sử dụng ở những nơi xa dân cư. Dù UBND TP.HCM có tăng cường kinh phí để khắc phục mùi hôi cũng chưa phải là giải pháp triệt để. Theo các nhà khoa học môi trường, NMXLNT Bình Hưng nên thay đổi công nghệ xử lý từ công nghệ “hở” thành công nghệ xử lý “kín”, thu khí mê tan để đốt bùn. Có như vậy thì mới ngăn chặn được mùi hôi phát tán. Tuy nhiên để đầu tư công nghệ xử lý “kín” thì đòi hỏi một nguồn vốn khá lớn.
Bài và ảnh: Anh Đức