Khởi sắc Sủng Máng

Sủng Máng từng là xã nghèo nhất nhì miền núi đá huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Cuộc sống của đồng bào Dao, Mông nơi đây chỉ quanh ba con chữ “đói, nghèo và khát”. Những năm gần đây, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước và bằng chính nghị lực của mình, người dân Sủng Máng đã làm nên “kỳ tích” thoát nghèo.

 

Nhiều hộ thoát nghèo và làm giàu


Đến Sủng Máng bây giờ, chuyện các hộ dân xóa nghèo thành công do “dám nghĩ, dám làm” đã không còn là chuyện lạ. Bộ mặt của xã, cuộc sống của người dân nay thay đổi rất nhiều. Nhiều hộ đã mua được các vật dụng đắt tiền để sử dụng, với thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm, có nhà còn mua được cả ô tô tải…


 

Sản phẩm may mặc các trang phục truyền thống của xã Sủng Máng tại các chợ phiên.

 

Chúng tôi tìm đến gia đình chị Vàng Quẩy Chiêm, ở thôn Sủng Nhí, một thành viên trong Tổ hợp tác may mặc trang phục dân tộc địa phương xã Sủng Máng. Trước kia gia đình chị thuộc diện hộ nghèo trong xã, nhưng từ khi tham gia vào tổ hợp tác may mặc, chị đã có thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Tâm sự với chúng tôi, chị Chiêm cho biết: Tham gia tổ hợp tác, các chị em được làm những bộ trang phục phụ nữ theo đơn đặt hàng với giá từ 1-2 triệu đồng. Đối với trang phục của phụ nữ dân tộc Lô Lô, đòi hỏi sự cầu kỳ với nhiều hoạ tiết thể hiện trên nền vải và bạc đính trang trí, giá có thể lên tới 3-4 triệu đồng/bộ, thậm chí có bộ còn có giá gần 10 triệu đồng; vừa góp phần tăng thu nhập cho gia đình, vừa phát huy được nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.


Chia tay chị Chiêm, chúng tôi tìm đường xuống Sủng Nhỉ B, thôn xa nhất của Sủng Máng, tìm gặp anh Phàn Giào Páo, người có hai xe ô tô chở hàng phục vụ cho cả xã Sủng Máng. Ngôi nhà ngói khang trang, được làm theo kiểu truyền thống của đồng bào Mông vùng cực Bắc, với đầy đủ tiện nghi tivi, tủ lạnh của anh Páo được hoàn thành cách đây hơn 2 năm. Đồng bào Mông ở đây, bằng sự chăm chỉ, học tập kinh nghiệm làm ăn đã dần thoát được cái đói, cái nghèo. Riêng gia đình anh Páo, do chịu khó hơn và biết cách học hỏi, nên ngoài cái ăn, còn dành tiền mua được cả ô tô để làm dịch vụ chở vật liệu xây dựng, chở ngô lúa và hoa màu cho người dân trong vùng.


Anh Páo cho biết: “Những năm trước, ngô lúa ở Sủng Máng hay bị tư thương ép giá. Họ lấy lý do đường xa, nên bớt giá thu mua ngô, lúa của bà con. Tôi nảy ra ý nghĩ học lái xe và mua xe để thu mua, chuyên chở hàng nông sản cho bà con. Bằng tiền dành dụm cộng với vay vốn ngân hàng, tôi đã mua hai chiếc xe tải. Một chiếc sáng chở ngô đi, vượt hơn 100 km đường đèo núi xuống chợ thị xã, tối lại chở các sản phẩm thiết yếu về bán cho bà con. Chiếc thứ hai chở nông sản cho bà con trong xã, huyện. Trừ tiền chi phí, mỗi tháng tôi có thu nhập gần 20 triệu đồng”.



Hướng phát triển mới cho Sủng Máng


Sủng Máng nằm gần các chợ lớn Lũng Phìn và Mèo Vạc. Đến nay, đồng bào Dao, Mông còn duy trì, phát triển nghề may truyền thống, nghề rèn, làm dịch vụ... Do vậy đời sống của đồng bào không chỉ trông chờ vào ngô lúa, mà từ nghề thủ công truyền thống, dịch vụ cũng đã đem lại nguồn thu không nhỏ.


Bí thư Đảng ủy xã Sủng Máng, Nguyễn Văn Ngợi cho biết, tỷ lệ đói nghèo của xã hiện chỉ còn dưới 30%, giảm hơn 20% so với 3 năm về trước. Để đảm bảo, ổn định lương thực cho 2.277 nhân khẩu, địa phương mạnh dạn đưa giống mới, năng suất cao vào gieo trồng, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác (ngô cả năm 320 ha, lúa 230 ha; đậu tương 250 ha). Những năm tới, xã phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 1.000 tấn, bình quân đầu người 400 kg/năm. Đi kèm là phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, mở rộng đồng cỏ 1.200 ha, để phát triển tổng đàn gia súc lên 11.000 con; duy trì đàn ong mật 950 tổ nằm rải rác ở trong từng hộ dân; tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Đường giao thông đã đến từng thôn, bản, với 90% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 90% số hộ được xem truyền hình, trẻ em đến trường đạt 90%.


Cũng theo Bí thư Ngợi, để người dân có thêm nguồn thu, phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, hiện tại xã đang chủ trương đa dạng hoá ngành nghề. Theo đó, tập trung phát triển dịch vụ, thương mại và tiểu thủ công nghiệp. Các nghề có truyền thống như rèn, dệt thổ cẩm đã được phục hồi, triển khai đến từng hộ dân; góp phần bảo tồn và phát triển văn hoá của đồng bào các dân tộc tại Sủng Máng.


Việc hỗ trợ và khích lệ phát triển ngành nghề, dịch vụ trong xã, đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Hiện toàn, Sủng Máng đã có 30 hộ làm nghề rèn, trên 50 hộ làm dịch vụ xay xát, trên 150 theo nghề may trang phục truyền thống. Không lâu nữa, làng văn hóa, du lịch cộng đồng của người Dao xã Sủng Máng sẽ được thành lập. Khi đó, các ngành nghề, dịch vụ trong xã sẽ phát triển, mở ra cho xã nghèo Sủng Máng thêm những khát vọng làm giàu của đồng bào Mông, Dao trên quê đá.

 

Bài và ảnh: Minh Phúc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN