Khoa học - công nghệ giải pháp để phát triển bền vững

Những năm qua, khoa học - công nghệ đã làm tốt vai trò của mình trong ứng dụng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế, chính trị tại địa phương.


Bốn nhiệm vụ trọng tâm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X xác định bốn nhiệm vụ chủ yếu trong phát triển khoa học công nghệ của địa phương: Nâng cao năng lực khoa học công nghệ; đổi mới cơ chế quản lý; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và hội nhập quốc tế. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa Bắc Kạn đến năm 2020” nhằm quản lý các đề tài, dự án khoa học phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và điều kiện thực tiễn của tỉnh.


 

Công ty cổ phần Công nghệ Nông lâm Mường Phăng tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm hơn 200 giống cây hoa của Đà Lạt và Nhật Bản phù hợp với chất đất, khí hậu tại địa phương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

 

Từ năm 2011 - 2013, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện bảy dự án đầu tư tăng cường tiềm lực, trong đó ba dự án đầu tư tăng cường tiềm lực cho Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, bước đầu đáp ứng được yêu cầu về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống; ba dự án đầu tư tăng cường tiềm lực cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Các nghiên cứu khoa học đưa vào ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân. Một số công trình như: tuyển chọn cây đầu dòng, phục tráng giống, xây dựng mô hình thâm canh cam, quýt. Mô hình thâm canh cam quýt năm 2009 có tổng diện tích là 997 ha, với sản lượng gần 2.400 tấn, đến năm 2012 diện tích trồng cam quýt tăng lên gần 1.500 ha, sản lượng đạt 4.500 tấn, nhiều gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/vụ. Hồng không hạt là cây đặc sản thuần địa phương, là loại quả ngon, được nằm trong "Top 100 sản phẩm thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng 2013" của Việt Nam, một thời gian dài đã mai một, nhờ được đầu tư khoa học và công nghệ để duy trì và phát triển, đến nay toàn tỉnh đã có trên 500 ha cho thu hoạch và tiếp tục đầu tư trồng mới khoảng 700 ha đến năm 2015. Thu nhập từ hồng không hạt cũng rất cao, trung bình khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ. Chè Shan tuyết cũng được đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị và tuổi thu nhập thấp đi. Nếu trồng theo phương thức cũ phải 5 năm mới cho thu hoạch, nay chỉ cần 3 năm chè đã cho thu hoạch…


Nâng cao giá trị hàng hóa


Khoa học công nghệ cũng được ứng dụng trong nghiên cứu, khảo nghiệm về giống với các loại lúa thuần, lúa đặc sản trên địa bàn, vừa đảm bảo chủ động giống, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn còn tiến hành nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lúa Bao thai đặc sản của Chợ Đồn, giống lúa nếp Khẩu nua lếch ở Ngân Sơn cho năng suất và chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng.


Để duy trì và bảo quản sản phẩm nông nghiệp, Bắc Kạn đã chú trọng nghiên cứu thành công Dự án chế biến rượu Bằng Phúc, tạo điều kiện cho người dân sản xuất thành công hàng hóa, đảm bảo chất lượng, cung cấp cho thị trường. Bắc Kạn là tỉnh trồng và chế biến nhiều dong riềng, nên đề tài bảo quản tinh bột dong riềng cũng mang lại kết quả tốt, góp phần làm giảm hao hụt, nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong.


Cho đến nay, Bắc Kạn đã triển khai 42 đề tài, dự án khoa học - công nghệ, trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp có 23 đề tài được áp dụng, phát huy tốt, như bảo tồn và phát triển cam, quýt đặc sản Bắc Kạn; hồng không hạt Bắc Kạn; chè Shan tuyết, nuôi lợn bán hoang dã... Đặc biệt Bắc Kạn đã có hai sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là hồng không hạt, quýt Bắc Kạn; nhãn hiệu tập thể gạo Bao Thai (Chợ Đồn); nhãn hiệu tập thể Miến dong Bắc Kạn.


Nguyễn Trình


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN