Nhiều khu dân cư tại TP Hồ Chí Minh rơi vào tình cảnh oái ăm khi bỗng dưng phải sống với nền nhà thấp hơn mặt đường cả mét, sau khi đường được tôn cao để chống ngập.
Tránh ngập đường, lo ngập nhà
Quốc lộ 50 nối liền TP Hồ Chí Minh với tỉnh Tiền Giang, tổng chiều dài hơn 95 km. Sau một thời gian bị ngập lụt mỗi khi triều cường và mưa lớn, thời gian gần đây, đoạn qua huyện Bình Chánh với chiều dài khoảng 12 km, thuộc địa phận TP Hồ Chí Minh được nâng cấp bằng một dự án của Bộ Giao thông Vận tải.
Vợ chồng ông bà Nguyễn Văn Sáu không còn đủ tiền để nâng nền “chạy đua” theo mặt đường quốc lộ 50. |
Tuy nhiên việc nâng cao mặt đường để chống ngập khiến cho rất nhiều nhà dân bị biến thành những “căn hầm” khi mặt đường mới cao hơn nền nhà có nơi hơn một mét. Người dân sinh sống tại đây chưa kịp vui mừng quên đi cảnh đường ngập ngụa khi trời mưa lớn hoặc mỗi tháng đón hai đợt triều cường thì đã phải đối diện với nguy cơ nước tràn nhà nếu không tôn cao nền.
Hiện tại, cả đoạn đường quốc lộ 50 chạy qua xã Phong Phú như một “đại công trường” với không khí xây dựng rất sôi nổi. Trong khi con đường vẫn đang thi công thì hàng chục ngôi nhà nằm dọc theo con đường quốc lộ cũng đang tất bật nâng nền, xây tường bao ngăn nước.
Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ tại số E11/308, quốc lộ 50, ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh khi anh đang loay hoay xây tường bao cao hơn vỉa hè gần 30 cm để ngăn nguy cơ nước tràn vào khi nền nhà thấp hơn so với mặt nền quốc lộ 50 hơn 1 mét. Anh Tuấn cho biết, vào năm 2002, khi xây nhà, nền nhà của anh cao hơn mặt đường tới 1,6 m. Đến năm 2012, anh phải nâng nền nhà cao thêm 60 cm nữa để “đua” với mặt nền đường quốc lộ 50 cứ cao dần lên theo con nước triều cường. “Bây giờ thì tôi không còn đủ tiền để “đua” theo nền đường nữa. Năm 2002 bỏ gần 100 triệu nâng nền nhà, tưởng được yên ổn, ai dè bây giờ nền nhà của mình còn thấp hơn mặt đường hơn một mét”, anh Tuấn ngán ngẩm nói.
Anh Nguyễn Văn Tuấn đang xây tường bao ngăn nước sau khi mặt đường cao hơn nền nhà hơn cả mét. |
Từ nhiều năm qua “cuộc đua” với cao trình nền đường quốc lộ 50 đã khiến nhiều căn nhà của một số hộ dân nơi đây trông khá kì dị. Như nhà ông Nguyễn Văn Sáu, số nhà E11/312, sau nhiều lần nâng nền, hiện nay mặt nền phần trước nhà thấp hơn mặt nền đường 1,2 mnhưng càng đi vào bên trong, nền nhà càng thấp hơn. Ông Sáu buồn nói: “Tôi đâu có tiền đến mấy trăm triệu để nâng toàn bộ, nên chỉ gói gém nâng phần nền trước nhà cho tiện buôn bán thôi. Bây giờ đi vào sâu trong nhà cứ giống như đang đi xuống địa đạo”.
Không chỉ những cư dân sống dọc bên đường quốc lộ 50, mà khu dân cư Gia Hòa đã từng được xem là khu dân cư khang trang đẹp mắt với những dãy nhà phố được xây dựng với cao trình mặt nền nhà đều nhau, cao hơn nền đường khoảng gần 40 cm. Thế nhưng, chỉ vài năm sau đó, do tình trạng ngập lụt con đường dẫn vào khu dân cư nối từ quốc lộ 50 ngày càng nặng nề nên chủ đầu tư của khu dân cư phải nâng mặt đường cao hơn nền nhà từ năm 2007. Kể từ đó, khu dân cư nơi đây phải chịu cảnh nền nhà lô nhô, cao thấp.
Chị Trần Thị Thanh Hồng, ngụ tại số nhà 21 bức xúc nói: “Có nhà nâng nền cao cả mét so với nền đường. Có nhà thì thấp hơn mặt đường 60 cm vì không có tiền nâng nền. Bây giờ mặt đường quốc lộ 50 nâng lên cao thì nước sẽ đổ tràn vào đường nội bộ khiến tình trạng ngập sẽ nặng nề thêm”.
Theo hồ sơ quy hoạch của Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh, đường quốc lộ 50 nối từ đường Nguyễn Văn Linh tới Trịnh Quang Nghị trước khi thi công chỉ cao 1,5 m và đoạn đi tới sông Cần Giuộc chỉ còn 1,3 - 1,4 m. Do vậy, trong quá trình thi công, phải tuân thủ cốt xây dựng khống chế tối thiểu đạt mức 2,05 m theo quy hoạch chung đến 2025 của TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 2010. Do đó mới xảy ra tình trạng chênh lệch cao độ quá lớn giữa nền nhà và nền đường.
Hệ quả từ nhiều nguyên nhân
Đây không chỉ là trường hợp riêng lẻ của TP Hồ Chí Minh, mà trước đây, khi hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa được nâng cấp, nhiều nhà mặt tiền đã phải chịu cảnh mặt đường cao gần bằng trần nhà. Khi trời mưa, những nhà trong hẻm phải lội nước để vào đến nhà. Những cư dân ở đường Nguyễn Văn Luông, Phạm Văn Chí (quận 6), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Phạm Thế Hiển (quận 8)… cũng chịu cảnh nền nhà thấp so với mặt đường sau khi tôn nền khiến nước ngoài đường chảy vào gây ngập mỗi khi trời mưa.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đô thị cho rằng, thực trạng nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự tác động của biến đổi khí hậu, nền đô thị đang bị lún và tốc độ đô thị hóa quá nhanh.
Theo TS.KTS. Lưu Đức Cường, Trung tâm Nghiên cứu và Quy hoạch môi trường đô thị - nông thôn, nguyên nhân ngập úng do đô thị hóa chính từ việc thay đổi sử dụng đất và bê tông hóa bề mặt, suy giảm diện tích cây xanh, diện tích thấm bề mặt, hệ thống thoát nước không theo kịp tốc độc đô thị hóa và dòng chảy bị lấn chiếm. Quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa sai lầm về vị trí phát triển đã gián tiếp gây nên ngập lụt đã khiến cho hàng ngàn ha diện tích chứa nước bị biến mất.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác là lâu nay thành phố vẫn chưa có cơ sở dữ liệu về cốt nền và từ những tác động của những nguyên nhân nói trên nên nền đường đã bị lạc hậu nhanh chóng trong khi nền nhà của người dân được căn cứ vào cao độ mặt đường.
Ông Nguyễn Đăng Tuyển, Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: “Theo thông tin Sở Tài nguyên và Môi trường, có 9 cột mốc cấp 1, từ đó chuyển qua cốt cấp 2,3 để xây dựng mạng lưới cao trình. Hiện nay thành phố vẫn tiếp tục nghiên cứu để xác định tính toán cốt nền. UBND TP Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Quy hoạch kiến trúc chủ trì nghiên cứu tính toán và đang được các nhà khoa học, các nhà quản lý tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cao trình cốt nền. Tuy nhiên, để làm được cơ sở dữ liệu này thì kinh phí rất lớn”.
Để không còn tái diễn cảnh “nâng đường lo ngập nhà”, việc xây dựng cơ sở dữ liệu là yêu cầu cấp bách, nhằm kịp thời tư vấn, dự báo cho người dân về hiện trạng khu vực, giúp người dân không bị động chạy theo độ cao của nền đường như hiện nay. Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Tuyển còn cho biết thêm: “Trước khi triển khai một dự án công trình công cộng, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến người dân. Do vậy, cần phải có sự phối hợp, thảo luận giữa chính quyền địa phương, nhân dân và chủ đầu tư để có thông tin trước để tạo sự đồng thuận từ phía người dân”.
Bài và ảnh: Anh Đức