Khó đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững: Bài 2

Hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình 30a nhằm giúp đồng bào tại các huyện nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và xóa nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.


Đề nghị cây giống nhưng được cấp bò


Ông Nông Văn Biểu, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết: Thực hiện hỗ trợ sản xuất theo Chương trình 30a, từ năm 2009, xã được hỗ trợ 12 con bò lai Sind, nhưng đến nay chỉ 3 con còn sống. Năm 2011, huyện tiếp tục hỗ trợ 35 con cho 35 hộ dân. Tuy nhiên, nhiều hộ dân lại không mặn mà với những gì được hỗ trợ. Trường hợp gia đình chị Nông Thị Nguyệt ở bản Nà Xiêm, xã Bảo Toàn là một ví dụ. Năm 2012, gia đình chị Nguyệt đăng ký với UBND xã hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai, phân bón, nhưng lại được nhận một con bò. Không nhận thì tiếc, nhận rồi bò cũng để đó, chị Nguyệt cùng chồng vẫn đi làm thuê, làm mướn trên ruộng của người ta. Anh Thạch Văn Hồng, chồng chị Nguyệt ngậm ngùi chia sẻ: “Gia đình tôi nghèo vẫn hoàn nghèo!”.

Nhiều hộ dân không muốn nuôi bò sinh sản vì thời gian sinh lợi lâu.


Nhân nhắc đến vấn đề trên, người viết bài này chợt nhớ lại câu chuyện trâu bò của Chương trình 30a bị người dân giết thịt và bán hàng loạt (130 con) tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa xảy ra khoảng giữa năm 2012. Bà con giết thịt, hoặc bán trâu, bò là do không đủ điều kiện chăn nuôi. Điều này cho thấy, sự hỗ trợ của Nhà nước từ chương trình 30a đã không đem lại hiệu quả như mong muốn do không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của dân.


Sở dĩ xảy ra tình trạng hỗ trợ chưa đáp ứng nhu cầu thực sự của dân bởi hiện nay hợp phần hỗ trợ sản xuất được xây dựng, triển khai theo cách thức phân bổ hỗ trợ từ trên xuống, đồng bào thụ động trong tiếp khâu tiếp nhận thông tin và thực hiện. Đối với hợp phần này, các huyện 30a được làm chủ đầu tư. Theo đó, huyện giao chỉ tiêu hỗ trợ cho từng năm, sau đó, xã mới phân ra tới các bản trên cơ sở bình xét hộ nghèo. Trên thực tế, nhu cầu của dân là rất lớn, nhưng chương trình chưa đáp ứng được, hoặc không đáp ứng được theo mong muốn hộ dân, do vậy người dân khó có thể phát huy được nguồn lực hỗ trợ một cách hiệu quả. Ví dụ như việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo là chưa hợp lý vì họ còn đang phải chạy ăn từng bữa, chưa kể việc thu lợi từ bò sinh sản mất quá nhiều thời gian chờ đợi, chăm sóc.


Thiếu đồng bộ


Việc thiếu đồng bộ trong hỗ trợ sản xuất cũng xảy ra tại nhiều địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Tình trạng trâu bò hỗ trợ từ Chương trình 30a chết quá nửa (9/12 con bò lai Sind) tại xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc là một minh chứng cụ thể cho việc hỗ trợ không đồng bộ. Bởi lẽ, việc hỗ trợ bò không kèm theo các khâu hướng dẫn phòng dịch bệnh, chống rét cho trâu bò… nên người dân không có kiến thức chăm sóc cho bò dự án. Đồng thời, việc hỗ trợ giống cây trồng cũng chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ giống và phân bón, còn lại việc hỗ trợ vê kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sau thu hoạch… đều không được đả động đến mà đẩy hoàn toàn trách nhiệm cho khuyến nông huyện, xã.


Một ví dụ nữa về sự không đồng bộ, cứng nhắc trong thực hiện và cũng không kém phần khôi hài đó là việc hỗ trợ trâu sinh sản tại xã Xà Hồ huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái. Sau khi bình xét, các hộ dân nằm trong diện hỗ trợ sẽ được nhận mỗi hộ một con trâu cái với mục đích chính là nuôi để sinh sản. Tuy nhiên, với việc mỗi hộ nhận được 1 con trâu cái thì không hiểu đến khi nào mới sinh sản vì… thiếu trâu đực. Theo đó, các hộ dân muốn trâu cái sinh sản thì lại phải mất công đi tìm, mượn trâu đực. Việc hỗ trợ lệch lạc theo “giới tính” vật nuôi này vô tình đã làm cho mục đích nuôi trâu sinh sản không phát huy được hiệu quả như mong muốn. Và có thể nói không sai rằng, tình trạng này đang xảy ra tại hầu hết các huyện 30a trên cả nước.


Với những bất cập như trên, rõ ràng kết quả thu được từ Chương trình 30a không thể như mong đợi.


Minh Phúc - Song Mạnh

 

Bài cuối: Cần sự định hướng đồng bộ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN