Còn hơn một sự tra tấn về thể lực, vì đấy cũng là một thách thức kinh khủng với những người có thần kinh tốt nhất. Những nhà ga bẩn thỉu, những toa tàu không có toilet và vô cùng chật chội, chuyện trễ giờ từ 15 phút đến cả tiếng mà không một lời xin lỗi xảy ra như cơm bữa. Ở đây, chúng ta không nói về những con tàu hay sân ga ở một nước châu Phi nào đó, mà là ở Italy, nền kinh tế thứ 9 thế giới.
Tôi còn nhớ có lần đã nhảy lên một chuyến tàu "chợ" đi Perugia, miền trung Italy. Cả một toa tàu chật cứng những người mà không thể nào làm gì khác được ngoài việc nhanh chân kiếm một chỗ đứng hoặc ngồi trước khi quá muộn. Lại nhớ một chuyến tàu khác từ Como, miền bắc nước này, xuống Milano, cách đó 60 cây số. Con tàu rì rì bò đến sau khi bảng điện tử thách thức hàng trăm người đứng lố nhố dưới ga trong cái rét cắt da của một buổi sáng tháng 12: lúc đầu nó báo tàu sẽ đến chậm 15 phút, rồi sau đó khi 15 phút trôi qua, nó lại báo sẽ chậm thêm 20 phút nữa. Cứ thế cho khi đến đúng một tiếng thì tàu tới.
Mấy năm sau trở lại, hỏi mấy người bạn Italia về tình hình dịch vụ đường sắt đã được cải thiện chưa, họ chỉ cười và lắc đầu bảo, mọi thứ còn tệ hơn nhiều. Hơn nhiều là thế nào nhỉ? Câu trả lời được Legambiente (Tổ chức bảo vệ môi trường Italy) công bố trên báo chí: đưa ra một danh sách 10 tuyến tàu khủng khiếp nhất Italy về mọi phương diện. Tuyến tàu được cho là kinh hoàng nhất là Circumviana ở Napoli theo dự kiến chỉ mất 20 phút, nhưng có đến 50% các chuyến tàu chậm nhiều hơn số thời gian đó, với một nửa số toa tàu đóng trong những năm 1970. Điều đáng buồn là quá nửa số tuyến trong danh sách này nằm ở miền bắc, vùng giàu có nhất Italy. Báo cáo kết luận: cuộc khủng hoảng kinh tế đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, trong đó có dịch vụ đường sắt.
Từ năm ngoái, báo chí làm ầm ỹ đòi hỏi phải tăng thêm số lượng toa tàu cho các tuyến và tăng chất lượng dịch vụ. Nhưng năm nay, khi cuộc khủng hoảng đang khiến Italy phải đứng trên đầu gối, ngành đường sắt không chỉ bị cắt giảm ngân sách mà còn bị ép phải tăng vé tàu. Kể từ năm 2009 đến nay, theo Legambiente, ngân sách cho các hệ thống đường sắt liên vùng và liên thành phố đã bị cắt 25%, trong khi giá vé tăng trung bình 25%. Đó là một cú sốc kinh khủng với 3 triệu người hàng ngày đi làm hoặc đi học trên các tuyến đường sắt, vốn trước khủng hoảng kinh tế được cho là phương tiện đi lại hiệu quả và kinh tế nhất đối với đa phần người sử dụng.
Bây giờ nếu đi công tác thì tôi cũng không nhảy lên những con tàu chạy cực chậm và ga nào cũng dừng như thế nữa. Ưu tiên tốc độ được đặt lên hàng đầu, dù giá khá cao. Có thể lựa chọn ngồi trên những chiếc Frecciarossa (Mũi tên đỏ) có tiêu chuẩn quốc tế chạy tốc độ tối đa 300 km/giờ và đầy đủ tiện nghi để rồi từ Roma đi Milano chỉ hết hơn hai tiếng. Thế nhưng mới rồi đọc báo lại phì cười. Trên một chuyến tàu như thế, một thanh niên đưa người họ hàng 80 tuổi tàn tật và ngồi xe lăn của mình lên tàu từ Roma đi Napoli. Anh cứ ngỡ là mình đưa ông bác lên tàu xong là nhanh chóng quay về nhà. Nhưng tàu đông quá, sau khi đưa bác lên tàu, anh chưa kịp xuống thì cửa đóng lại sau đúng 3 phút tàu dừng theo quy định. Nó chạy thẳng xuống Napoli, bất chấp anh kêu gào đòi xuống. Trên chuyến tàu, người ta còn bắt anh phải mua vé vì không tin anh bị tàu "bắt cóc". Cuối cùng, để đền bù cho chuyến đi bất đắc dĩ, "nhà tàu" đã cho anh trở về Roma miễn phí.
Điều đó có nghĩa là, trái ngược với "tàu chợ", dịch vụ đường sắt cao cấp của Italy vẫn tốt và ngày càng đúng giờ. Nhưng thỉnh thoảng lại xảy ra những bi kịch với những người Italy lên tàu cao cấp vẫn cứ nghĩ theo thói quen là nó không bao giờ đúng giờ. Như tàu chợ...
Trương Anh Ngọc (từ Roma)